Chi tiết tin tin tức sự kiện - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử KH&CN Quảng Trị
Tin tức - Sự kiện: Phòng, chống dịch bệnh COVID 19

Ngày đăng: 15-08-2022

Xét nghiệm mới xác định khả năng miễn dịch chống lại COVID-19

Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã đưa ra một loại xét nghiệm dễ sử dụng có thể dự đoán khả năng miễn dịch bảo vệ chống lại COVID-19, thông qua tiêm chủng, nhiễm virus hoặc kết hợp cả hai. Xét nghiệm này giúp mọi người xác định biện pháp phòng ngừa nào nên sử dụng để chống nhiễm COVID-19, chẳng hạn như tiêm bổ sung một mũi tăng cường. Xét nghiệm đo nồng độ kháng thể trung hòa có tác dụng bảo vệ tế bào khỏi virus, nhằm vào virus SARS-CoV-2 trong mẫu máu.

Hojun Li tại Viện Nghiên cứu Ung thư Tích hợp thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Hoa Kỳ, cho biết: “Nhìn chung, nhiều người muốn biết khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch ra sao. Nhưng tôi nghĩ xét nghiệm này có thể tạo sự khác biệt lớn nhất đối với những người đang điều trị hóa chất, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch do mắc bệnh rối loạn thấp khớp hoặc bệnh tự miễn dịch và người cao tuổi hoặc không có phản ứng miễn dịch tốt”. Những đối tượng này cần được tiêm mũi tăng cường sớm hoặc tiêm nhiều liều hơn để đạt được khả năng bảo vệ thích hợp.

Xét nghiệm miễn dịch mới được thiết kế để các protein cầu gai khác nhau của virus (giúp virus xâm nhập và lây nhiễm các tế bào) có thể được hoán đổi cho nhau. Điều đó cho phép phát hiện khả năng miễn dịch chống lại mọi biến thể hiện tại hoặc tương lai của SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ này và hiện đang hy vọng hợp tác với một công ty chẩn đoán để sản xuất thiết bị mới. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đang xin Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận.

Hiện nay, phương pháp tiêu chuẩn vàng để đo khả năng miễn dịch là trộn một mẫu máu với virus sống và đo lường số lượng tế bào bị virus tiêu diệt. Quy trình đó quá nguy hiểm để thực hiện trong hầu hết các phòng thí nghiệm, do đó, các phương pháp phổ biến được sử dụng liên quan đến các hạt "giả siêu vi khuẩn" được biến đổi không lây nhiễm.

Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn cần có chuyên gia được đào tạo làm việc trong phòng thí nghiệm với thiết bị chuyên dụng. Hơn nữa, kết quả xét nghiệm không thể có ngay lập tức. Vì thế, Hojun Li đã lấy cảm hứng từ các thử nghiệm thai tại nhà, dựa trên một loại xét nghiệm được gọi là xét nghiệm dòng chảy bên (lateral flow assay). Xét nghiệm này thường bao gồm các dải giấy với các vạch liên kết với một phân tử mục tiêu cụ thể nếu nó có trong mẫu. Công nghệ này cũng là cơ sở của hầu hết các xét nghiệm COVID-19 nhanh tại nhà.

Nhóm nghiên cứu đã chế tạo được một thiết bị có thể phát hiện sự hiện diện của các kháng thể ngăn vùng liên kết thụ thể SARS-CoV-2 (RBD) liên kết với ACE2, thụ thể của con người mà virus sử dụng để lây nhiễm tế bào.

Bước đầu tiên của thử nghiệm là trộn mẫu máu người với protein RBD của virus đã được dán nhãn bằng các hạt vàng nhỏ có thể nhìn thấy được khi dán vào một dải giấy. Sau khi để cho các kháng thể trong mẫu tương tác với protein của virus, một vài giọt mẫu được nhỏ lên que thử có hai vạch.

Các nhà nghiên cứu cho biết một trong những vạch này thu hút các protein RBD của virus tự do, trong khi vạch còn lại thu hút bất kỳ RBD nào đã bị giữ lại bởi các kháng thể trung hòa. Tín hiệu mạnh từ vạch thứ hai thể hiện nồng độ cao của kháng thể trung hòa trong mẫu.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 6397
Tổng lượt truy cập: 2.787.936
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.