Chuyển đổi số ngành nông nghiệp Việt Nam - Biến tiềm năng thành lợi thế
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo xu hướng hiện đại hóa, hướng đến mục tiêu sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao, chi phí thấp nhất nhưng đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất. Với những lợi ích mà nó mang lại, chuyển đổi số là con đường tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.
Chuyển đổi số được đánh giá là chìa khóa để ngành nông nghiệp tận dụng được những cơ hội phát triển (ảnh minh họa)
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua ngành nông nghiệp Việt nam đã thể hiện rõ vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia mà chuyển đổi số được đánh giá là chìa khóa để ngành nông nghiệp tận dụng được những cơ hội sau đại dịch.
Dân số chúng ta đang gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây do vậy chúng ta cần tập trung phát triển trồng lương thực nhiều hơn để đảm bảo nguồn tài nguyên tối thiểu phục vụ cho cuộc sống của người dân do vậy ngành nông nghiệp đang còn nhiều thách thức phải vượt qua, giảm tác động của môi trường và tối đa hóa sự hài lòng của người tiêu dùng, đảm bảo thu nhập công bằng cho nông dân khi gặp các biến động về thời tiết, cải thiện lợi nhuận trong điều kiện môi trường không thuận lợi và tăng cường tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng là vấn đề cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
Thực trạng ngành nông nghiệp Việt Nam
Đại dịch COVID-19 đã đem lại hàng loạt khó khăn cho nền nông nghiệp Việt Nam. Trong năm vừa qua, chúng ta phải đối mặt với việc bế tắc trong xuất khẩu nông sản khi các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc bị tác động lớn.
Việt Nam là một nước thường xuyên bị tác động bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, khiến nền nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những mối lo về việc biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao gây ngập lụt ở các đồng bằng, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên hay các đợt rét đậm ở Bắc Trung Bộ sẽ vẫn luôn là những quan ngại thường trực với bà con nông dân.
Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp cả nước, có tới 95% doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ và vừa sẽ là những thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp.
Các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực cơ bản như: trồng rau, trồng hoa và chế biến nông sản, chăn nuôi. Vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp VN năm 2023 ước tính đạt 23,18 tỷ đô, tăng 3,5% so với năm trước.
Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 10/2024, tổng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam ước đạt khoảng 4,8 tỷ USD, với khoảng 1.300 dự án đang hoạt động. Sự đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học.
Số lượng nhà đầu tư cũng chưa nhiều, trong đó các nước đã đầu tư vào Việt Nam năm 2024 như Singapore là 1,2 tỷ USD, Thái Lan là 800 triệu USD, Malaysia là 600 triệu USD, Hàn quốc là 1,5 tỷ USD vào nông nghiệp Việt Nam và 85% - 90% lượng hàng nông sản của nước ta đưa ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài. Vì vậy, việc bị bán giá thấp, bị o ép vẫn là những câu chuyện thường ngày đối với hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu. Đó là chưa kể tới rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và các giải pháp số phục vụ ngành và đáp ứng như cầu ứng dụng công nghệ số trong quản lý vận hành từ trang trại đến thành phẩm
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp nông nghiệp Việt khi thực hành ESG
Chuyển đổi số đã thay đổi mạnh mẽ cách thức hoạt động của nền kinh tế toàn cầu, và Việt Nam không phải ngoại lệ. Nền kinh tế số đặt ra yêu cầu về tính minh bạch, hiệu quả và bền vững cao hơn đối với các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, ESG nổi lên như một bộ chỉ tiêu quan trọng giúp đo lường không chỉ hiệu suất kinh tế mà còn cả tác động đến môi trường và xã hội cũng như mức độ quản trị của doanh nghiệp.
Môi trường (E - Environmental): Trong nền kinh tế số, việc sử dụng tài nguyên tự nhiên có xu hướng giảm bớt nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức từ việc tiêu thụ năng lượng, phát thải khí nhà kính từ trung tâm dữ liệu, và tác động lâu dài từ chuỗi cung ứng. Việc áp dụng ESG giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động này thông qua các chiến lược giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Xã hội (S - Social): Các tiêu chuẩn xã hội trong ESG yêu cầu doanh nghiệp phải chú trọng đến phúc lợi của người lao động, đảm bảo quyền lợi và môi trường làm việc an toàn, bình đẳng. Trong nền kinh tế số, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nhân sự, phát triển lực lượng lao động số và xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự đa dạng và hòa nhập. Đây là những yếu tố quyết định đến sức cạnh tranh và khả năng giữ chân nhân tài trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt.
Quản trị (G - Governance): Quản trị tốt là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong thời đại kỹ thuật số, điều này càng quan trọng hơn khi các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và tuân thủ quy định pháp luật. Việc áp dụng các chỉ tiêu ESG giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý, từ đó nâng cao uy tín và niềm tin từ đối tác, khách hàng và nhà đầu tư
Mô hình ESG (ảnh minh họa)
Việc áp dụng ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, từ việc nâng cao hình ảnh thương hiệu, tăng cường sức cạnh tranh đến việc thu hút dòng vốn đầu tư xanh. Cụ thể:
Thu hút vốn đầu tư xanh: Trong bối cảnh thế giới ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, các nhà đầu tư quốc tế đang ưu tiên rót vốn vào các doanh nghiệp tuân thủ ESG. Điều này đặc biệt đúng với các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ, nơi các quy định về phát triển bền vững ngày càng nghiêm ngặt. Do đó, việc thực hiện ESG không chỉ giúp doanh nghiệp Việt thu hút dòng vốn đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường này.
Cải thiện hiệu suất và giảm chi phí: ESG thúc đẩy doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu lãng phí. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu suất hoạt động mà còn giảm thiểu chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá năng lượng và nguyên liệu thô ngày càng tăng cao.
Nâng cao uy tín và thương hiệu: Doanh nghiệp áp dụng ESG được đánh giá là có đạo đức và trách nhiệm, từ đó nâng cao uy tín thương hiệu trong mắt khách hàng, đối tác và cộng đồng. Điều này giúp doanh nghiệp tạo dựng lòng tin, tăng cường mối quan hệ với khách hàng và cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích nói trên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.
Thiếu nguồn lực và kiến thức: Một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng ESG là thiếu nguồn lực và kiến thức. Việc thực hiện các chỉ tiêu ESG đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính, thời gian và nhân lực. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng hoặc chưa hiểu rõ về ESG để áp dụng hiệu quả.
Quy định pháp lý phức tạp: Ở Việt Nam, các quy định pháp lý liên quan đến ESG vẫn còn mới mẻ và chưa đồng bộ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ. Hơn nữa, việc thiếu các chuẩn mực báo cáo nhất quán khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đo lường và đánh giá hiệu quả ESG.
Cạnh tranh khốc liệt: Khi nền kinh tế số ngày càng phát triển, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt. Doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với áp lực từ khách hàng và nhà đầu tư mà còn phải vượt qua các đối thủ cạnh tranh trong việc áp dụng ESG. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực liên tục và cam kết mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.
Hiện nay ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm thế nào có thể quản trị được các bí mật về thông tin sản phẩm và sở hữu trí tuệ của các sản phẩm được chế biến hoặc nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp, việc theo dõi chuỗi cung ứng thực phẩm để khai thác truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ khâu sản xuất đến phát triển sản phẩm và nhà cung cấp, đảm bảo an toàn thực phẩm, xác nhận nguồn gốc xứ là vấn đề khó khăn đối nhà sản xuất và chuỗi bán lẻ
Người nông dân hiện nay thường phải đối mặt với những điều kiện thời tiết thay đổi không thể đoán trước trong khi ngành nông nghiệp lại trồng nhiều loại cây trồng khác nhau và việc dự báo và theo dõi điều kiện thời tiết là điều vô cùng cần thiết cho sự sống còn của cây trồng. Sự thiếu minh bạch trong hệ sinh thái của chuỗi thực phẩm sẽ dẫn đến định giá sản phẩm tăng cao dẫn đến chi phí tiêu dùng gia tăng đối với người tiêu dùng và người nông dân cũng bị thiệt hại.
Khả năng tiếp cận với các dịch vụ, tổ chức tài chính với các hộ nông dân nhỏ cũng đang tác động tiêu cực đến hiệu quả trong quá trình thực hiện hợp đồng, hiệu quả trong hoạt động của chuỗi giá trị nông nghiệp dẫn đến người sản xuất không thể tối đa hóa sản lượng cung cấp và người tiêu thụ cũng rất khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa đầy đủ và đúng thời hạn. Việc tiếp cận được nhiều dịch vụ tài chính sẽ tạo cho người nông dân sản xuất nhỏ có điều kiện đầu tư nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn và giúp họ giảm khó khăn về thanh khoản trong các hoạt động nuôi trồng đồng thời giúp người nông dân dẽ dàng trong việc thanh toán tránh tình trạng các hộ nông dân nhỏ phải bán các sản phẩm của mình với giá thấp.
Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp (ảnh minh họa)
Giải pháp chuyển đổi số cho nông sản nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả
Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng thị trường cho nông sản do vậy lựa chọn giải pháp là vấn đề cốt lõi trong chuyển đổi số cụ thể là:
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất:
Nông nghiệp chính xác cần sử dụng cảm biến, vệ tinh, drone để thu thập dữ liệu về đất, cây trồng, thời tiết, từ đó đưa ra quyết định tưới tiêu, bón phân, phòng trừ sâu bệnh chính xác, hiệu quả.
Quản lý chuỗi cung ứng cần áp dụng công nghệ blockchain để theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường niềm tin cho người tiêu dùng.
Hệ thống quản lý thông tin cần sử dụng phần mềm quản lý để theo dõi các hoạt động sản xuất, lưu trữ dữ liệu, tạo báo cáo, giúp nông dân nắm bắt tình hình sản xuất, đưa ra quyết định nhanh chóng.
Xây dựng thương hiệu và tiếp thị sản phẩm:
Thương mại điện tử thông qua bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, website riêng, giúp nông dân tiếp cận khách hàng rộng rãi hơn.
Marketing kỹ thuật số cần sử dụng các kênh marketing online như mạng xã hội, SEO, email marketing để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Đóng gói bao bì phải được thiết kế bao bì đẹp mắt, thông tin rõ ràng, thu hút người tiêu dùng.
Kết nối nông dân với thị trường:
Mô hình hợp tác xã sẽ tạo ra các hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao sức mạnh thương lượng với các đối tác trên thị trường
Xây dựng sàn giao dịch điện tử để tạo ra các sàn giao dịch nông sản trực tuyến để kết nối nông dân với các nhà phân phối, siêu thị.
Tham gia các hội chợ, triển lãm, các sự kiện để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng trong tương lai
Đào tạo và nâng cao nhận thức:
Tổ chức các khóa đào tạo nông dân về kiến thức về công nghệ, kỹ năng sử dụng máy móc thiết bị, phương pháp sản xuất hiện đại.
Tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số, khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ vào sản xuất.
Các công nghệ cụ thể có thể áp dụng:
Internet of Things (IoT) nhằm kết nối các thiết bị cảm biến, máy móc để thu thập và phân tích dữ liệu.
Xây dựng các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán, phân tích hình ảnh để hỗ trợ ra quyết định.
Ứng dụng big data nhằm thu thập, lưu trữ và phân tích lượng lớn dữ liệu để tìm ra xu hướng, phát hiện vấn đề.
Hệ thống Blockchain nhằm đảm bảo tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ứng dụng di động thông mình giúp nông dân theo dõi tình hình thời tiết, giá cả thị trường, kết nối với các hệ sinh thái trong nhiều ngành hàng nhằm tham gia thì trường online một cách hiệu quả
Nghị định 34/NQ-CP ngày 25/03/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 là một văn bản pháp luật quan trọng. Nghị quyết này được ban hành nhằm giải quyết những thách thức và đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định cho cả nước, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các yếu tố bất ổn khác. Vấn đề an ninh lương thực luôn là vấn đề đặc biệt quan tâm của Đảng và Nhà nước hiện nay nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mang tính lâu dài và mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp phải được thực hiện nhanh chóng với phương châm đơn giản mà ngành nông nghiệp truyền thống mới nổi đang thực hiện đó là “nghĩ lớn, bắt đầu từ việc nhỏ và hành động nhanh” nhằm cải thiện năng xuất nông nghiệp và lợi nhuận cho người nông dân sản xuất nhỏ. Do vậy, để phát triển được hệ sinh thái nông nghiệp kỹ thuật số chúng ta cần nghiên cứu ba yếu tố vô cùng quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ cho ngành nông nghiệp, đổi mới trong mô hình quản lý và phát triển chiến lược ngành nông nghiệp, quan hệ giữa nhiều bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy đổi mới thể chế nhằm sử dụng chéo kiến thức và quan hệ đối tác một cách hiệu quả hơn, chia sẻ dữ liệu các thử nghiệm và kết quả trong việc đột phá công nghệ trong tương lai và giúp mở rộng qui mô các nghiên cứu đã được chứng minh thông qua các cấp để có được một hệ thống thông tin về sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, công bằng và bền vững.
Chuyển đổi số nông nghiệp vô cùng quan trọng đối với nước ta và không được phép sai lầm trong quá trình thực hiện, phải làm ngay nhưng từng bước thực hiện số hóa đồng loạt phải chắc chắn, phải đảm bảo tính khả thi lâu dài trong tất cả các công tác quản lý, giám sát từ các cơ quan cấp Bộ đến cơ quan địa phương đồng thời mỗi chủ thể tham gia trong quá trình này phải biết cần làm gì trước, lựa chọn công nghệ nào ứng dụng trước theo kế hoạch triển khai giải pháp chi tiết để tránh tham lam trong quá trình triển khai để rồi dẫn đến tình trạng áp lực, quá tải và lạc hướng. Chuyển đổi số là một quá trình dài hạn và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên. Tuy nhiên, với những lợi ích mà nó mang lại, chuyển đổi số là con đường tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững./.