Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở: “Xây dựng mô hình sản xuất giống dịch thể và nuôi trồng nấm Mối đen thương phẩm tại tỉnh Quảng Trị”.
Đề tài thực hiện từ tháng 9/2019 với mục tiêu ứng dụng giống nấm dịch thể nuôi trồng thử nghiệm nấm Mối đen thương phẩm trên cơ chất mùn cưa cao su; Đánh giá sự sinh trưởng và phát triển, khả năng thích nghi, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của giống nấm Mối đen; Hoàn thiện quy trình sản xuất giống dịch thể và nuôi trồng nấm Mối đen thương phẩm phù hợp với điều kiện của tỉnh Quảng Trị để khuyến cáo bà con áp dụng nhân rộng trong thời gian tới.
Đơn vị chủ trì trình bày báo cáo kết quả thực hiện
Đến thời điểm hiện tại, Trạm đã hoàn thành các nội dung: Mô hình sản xuất nấm mối đen thương phẩm với số lượng 8000 bịch phôi nấm/60m2; Quy trình sản xuất giống nấm mối đen dạng dịch thể; Quy trình nuôi trồng nấm mối đen thương phẩm. Nhìn chung, các mục tiêu về sản xuất nấm mối đen đều đạt so với yêu cầu ban đầu đặt ra khi nuôi trồng tại Trạm, kết quả thu được 0,115 kg nấm/bịch. Tuy nhiên, năng suất có thấp hơn so với dự kiến 5-6%, nguyên nhân do tỉ lệ nhiễm bệnh còn cao, chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong chăm sóc, khâu xử lý bệnh hại. Bên cạnh đó trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn như ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lụt lịch sử năm 2020; sản xuất nấm đang ở quy mô nhỏ, phân tán, năng suất lao động chưa cao, chưa hình thành được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.
Sản phẩm nấm Mối đen
Qua báo cáo, Hội đồng đã tiến hành đánh giá, góp ý các kết quả thực hiện của Trạm. Hội đồng đề nghị đơn vị chủ trì chỉnh sửa báo cáo kết quả, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống dịch thể và quy trình nuôi trồng nuôi trồng nấm Mối đen; Trạm cần tiếp tục duy trì mô hình này bởi nấm Mối đen có giá trị kinh tế cao, mô hình là tiền đề để nhân rộng ra các địa bàn trong tỉnh, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân, tạo nghề mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Hội đồng nhất trí xếp loại: Đạt đối với đề tài./.
Sỹ Tiến