Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin hoạt động Sở

Ngày đăng: 12-01-2024

Kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu phát triển công nghệ Biofloc dựa trên nguồn vi sinh bản địa nhằm tăng tính hiệu quả và bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Quảng Trị”

Sáng 10/01/2024, Hội đồng tư vấn do ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì đã tiến hành kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện đối với nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, đề tài: “Nghiên cứu phát triển công nghệ Biofloc dựa trên nguồn vi sinh bản địa nhằm tăng tính hiệu quả và bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Quảng Trị”. Đề tài do TS. Lê Công Tuấn làm chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là đơn vị chủ trì. Thời gian thực hiện 18 tháng ( từ tháng 01/2023 đến tháng 06/2024).

Ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng phát biểu chủ trì tại buổi làm việc

Mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc là bổ sung các chủng vi khuẩn và tăng cường oxy nhằm thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất thải thành sinh khối của vi khuẩn - tảo - nấm (biofloc). Tính ưu việt của mô hình nuôi theo công nghệ biofloc là do việc chuyển hóa toàn bộ thức ăn thừa, phân thải, các khí độc NH3, NO2 và duy trì quá trình này, điều này giúp cho môi trường nuôi luôn sạch nên mô hình nuôi tôm này không cần phải thay nước, nuôi được ở mật độ cao, mức độ an toàn sinh học cao, giảm thiểu các nguy cơ dịch bệnh, tôm nuôi không sử dụng chất kháng sinh, chất thải được tái sự dụng làm thức ăn cho tôm sau khi được vi khuẩn chuyển hóa. Theo đó, đề tài hướng đến mục tiêu là khai thác tài nguyên vi sinh vật bản địa để phát triển công nghệ biofloc cho nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả và bền vững ở tỉnh Quảng Trị.

Đơn vị chủ trì báo cáo kết quả triển khai thực hiện đề tài tại Hội đồng

Sau thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã hoàn thành việc khảo sát tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bằng công nghệ vi sinh, công nghệ biofoc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; nghiên cứu phân lập, sàng lọc đánh giá khả năng phân giải chất hữu cơ, chuyển hóa nitơ, tạo floc, làm nguồn thức ăn và đối kháng vi khuẩn gây bệnh từ nguồn nuôi tôm trên địa bàn tỉnh; tuyển chọn và đánh giá khả năng đối kháng của các chủng vi khuẩn phân lập được, định danh các vi sinh vật có khả năng tốt về phân giải hữu cơ, chuyển hóa nitơ, tạo floc, đối kháng và làm thức ăn tuyển chọn được; thiết kế hệ thống nuôi theo công nghệ biofloc và tiến hành thử nghiệm ứng dụng các vi sinh vật tuyển chọn được trong hệ nuôi tôm quy mô phòng thí nghiệm; theo dõi kiểm soát thí nghiệm để đánh giá khả năng ứng dụng các vi sinh vật tuyển chọn được; đã hoàn thành thí nghiệm nuôi tăng sinh và phân lập, định danh được 8 chủng vi sinh, 01 loài động vật phù du tiềm năng, đánh giá được tính năng của 8 chủng vi sinh và vai trò thức ăn 2 loài động vật phù du qua đó lựa chọn 4 chủng NQ1, NQ3, BQ1, BQ2 chuyển hóa N, tạo floc, đối kháng và loài Paracalanus parvus Claus, 1863 làm thức ăn trong nuôi tôm bằng biofloc.

Dự kiến một số công việc trong thời gian tới: Đầu tư xây dựng các mô hình thử nghiệm ứng dụng vi sinh vật bản địa chọn lọc cho nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ biofloc ở trại nuôi thí điểm tại Quảng Trị để hoàn thiện quy trình kỹ thuật; tiếp tục thiết kế hệ thống nuôi theo công nghệ biofloc và tiến hành thử nghiệm ứng dụng các vi sinh vật tuyển chọn được trong hệ nuôi tôm quy mô nông trại; theo dõi và kiểm soát thử nghiệm để đánh giá và hoàn thiện mô hình; tổ chức hội nghị đầu bờ hoặc hội thảo khoa học để nghiệm thu các mô hình; phân tích số liệu và hoàn thiện báo cáo đề tài.

Tại buổi kiểm tra thực tế, Hội đồng KH&CN đã đánh giá cao tiến độ, khối lượng kết quả đạt được của đề tài. Các nội dung công việc đề tài đã triển khai đúng tiến độ đề ra, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì cần bổ sung, chỉnh sửa theo ý kiến của các thành viên hội đồng, tiếp tục triển khai các nội dung đúng tiến độ trong thời gian tới./.

Một số hình ảnh tại buổi kiểm tra trực địa

 

 

Ánh Ngọc

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 9
Hôm nay: 1257
Tổng lượt truy cập: 4.057.478
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!