Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Hoạt động KH&CN cơ sở

Ngày đăng: 15-04-2022

Kiểm tra định kỳ tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi

Các dự án trong đợt kiểm tra này gồm: Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VietGAHP theo chuỗi giá trị tại vùng cát tỉnh Quảng Trị; Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại tỉnh Quảng Trị; Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc năng suất cao và sản xuất lạc an toàn theo VietGAP tại tỉnh Quảng Trị.

Bà Trương Thu Hằng, Phó Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi phát biểu tại buổi làm việc

 
Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VietGAHP theo chuỗi giá trị tại vùng cát tỉnh Quảng Trị do Công ty TNHH MTV CLEAN chủ trì thực hiện tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng; thời gian thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 05/2021, được gia hạn đến tháng 5/2022. Đến nay, đã hoàn thiện các quy trình: Quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng gà Ri lai nuôi thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP (giai đoạn gà con 01 ngày tuổi – 8 tuần tuổi, giai đoạn gà 9 tuần tuổi – giết thịt), Quy trình kỹ thuật phòng ngừa và trị một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi Ri lai nuôi thịt, Quy trình kỹ thuật nuôi giun quế bổ sung thức ăn giàu đạm cho gà và hoàn thiện các mô hình ứng dụng công nghệ: Nuôi gà LV sinh sản quy mô trang trại (hơn 500 con mái và 50 con trống); Nuôi gà Ri lai thương phẩm thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP (hơn 6.000 con/lứa, nuôi 2 lứa, tổng số hơn 12.000 con); Nuôi giun quế làm thức ăn bổ sung  giàu đạm cho gà diện tích 200m2. Đơn vị chủ trì cũng đã cung cấp gà giống cho bà con địa phương, gà thương phẩm được đưa vào tiêu thụ trong siêu thị Coo.p mart Đông Hà.

Nhân viên Công ty TNHH MTV CLEAN đang sử dụng vaccine phòng bệnh cho gà con
 

Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại tỉnh Quảng Trị do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN chủ trì, thực hiện từ 5/2021 đến tháng 4/2024 tại khu vực đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa. Đến nay, Trung tâm đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật phân lập giống gốc nấm đông trùng hạ thảo (ĐTHT) và đã thực hiện một số quy trình nhân giống, nuôi trồng nấm ĐTHT; hoàn thành đào tạo 4 cán bộ kỹ thuật; sau khi tiếp nhận công nghệ từ đơn vị chuyển giao Trung tâm thực hiện nhân giống và sản xuất 03 đợt với số lượng 27.000 lọ ĐTHT trên môi trường tổng hợp, 450 lọ ĐTHT trên ký chủ nhộng tằm, đạt gần 160kg đông trùng hạ thảo tươi. Các sản phẩm của Trung tâm đã đưa ra thị trường gồm 4 loại với nhãn hiệu ĐTHT Sa Mù: sấy khô (hộp đơn, hộp đôi), ĐTHT cấy trên ký chủ nhộng tằm, ĐTHT ngâm mật ong, Rượu ĐTHT. Các sản phẩm ĐTHT nhận được tín hiệu khả quan từ thị trường, đây là cơ sở để tiến hành mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình sản xuất.

Phòng nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại đèo Sa Mù, Hướng Hóa
 

Sản phẩm đông trùng hạ thảo Sa Mù (dạng sấy khô)
 

Dự án Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc năng suất cao và sản xuất lạc an toàn theo VietGAP tại tỉnh Quảng Trị do Công ty TNHH MTV Từ Phong (huyện Cam Lộ) thực hiện 24 tháng, từ tháng 6/2019, gia hạn thêm 12 tháng. Đến nay đã tiếp nhận và chuyển giao 5 quy trình kỹ thuật, công nghệ: Kỹ thuật sản xuất hạt giống lạc xác nhận (giống L14 và L20); Kỹ thuật sản xuất lạc đạt 5 tấn/ha giống lạc L14 và L20, Kỹ thuật canh tác lạc an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; Công nghệ sấy, chế biến và bảo quản lạc khô thương phẩm; Công nghệ chế biến lạc sau thu hoạch (Dầu lạc, Bơ lạc). Với các giống lạc L14 và L20 đã xây dựng các mô hình: Sản xuất 2 ha hạt giống lạc xác nhận (1 ha L14 và 1 ha L20; Mô hình 20 ha thâm canh lạc; Canh tác lạc an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10 ha (5 ha L14 và 5 ha L20), năng suất đạt  2,9 tấn/ha L14 và 3,3 tấn/ha L20, sản lượng đạt 31 tấn lạc đạt tiêu chuẩn VietGAP (15,5 tấn L14 thương phẩm và 16,5 tấn L20 thương phẩm); Mô hình bảo quản, sấy, chế biến lạc sau thu hoạch, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho bà con nông dân ở địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, đơn vị chủ trì gặp phải hạn hán, lũ lụt năm 2019 và 2020 ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng.

Sản phẩm Dầu lạc nguyên chất và bơ đậu phộng thương hiệu Super Green
của Công ty TNHH MTV Từ Phong


Tại các cơ sở, đoàn đã nghe báo cáo, kiểm tra tình hình thực tế và thảo luận về tiến độ thực hiện các dự án. Nhìn chung, đoàn đánh giá cao quá trình thực hiện các dự án, đa số sản phẩm thực tế đều vượt trội với mức đề ra. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt và có cơ sở mở rộng, nhân rộng mô hình cho bà con, các đơn vị chủ trì cần thực hiện một số nội dung cụ thể: Cần có theo dõi, đánh giá chỉ tiêu, chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế cụ thể trong nhiều lứa/vụ tiếp theo đối với gà giống, gà thương phẩm, lạc giống, lạc thương phẩm so với cách làm truyền thống trong nuôi gà và trồng lạc ở địa phương; bên cạnh đó trong nhân giống, sản xuất đông trùng hạ thảo cần nghiên cứu trong các đợt tiếp theo để có thể nâng cao hàm lượng codycepin và adenosine nhằm đưa sản phẩm ra thị trường có chất lượng tốt hơn.

Sỹ Tiến

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 18
Hôm nay: 3793
Tổng lượt truy cập: 3.947.716
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!