Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong tỉnh

Ngày đăng: 01-06-2021

Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường

Địa bàn có khả năng phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời tập trung ở các xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng (Hướng Hóa); Hướng Hiệp (Đakrông); Gio Việt, Gio Hải, Gio Thành (Gio Linh); khu vực ven biển của huyện Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ. Tính đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 13 dự án năng lượng đi vào hoạt động với công suất 276 MW. Riêng về điện gió, tỉnh đã có 31 dự án được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177 MW, trong đó có 2 dự án đã đi vào vận hành với tổng công suất 60 MW, 25 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai xây dựng với tổng công suất 987,2 MW...

 

Để khai thác hết tiềm năng gió tại địa phương, tỉnh Quảng Trị đã trình Bộ Công thương xem xét, đề xuất Chính phủ phê duyệt bổ sung 53 dự án vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 2.853,65 MW và chấp thuận cho 7 dự án vào triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến khoảng 1.590 MW. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu Mai Văn Huế cho biết, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 là nhà máy được xây dựng đầu tiên ở Bắc Trung Bộ có 15 tua bin gió, mỗi tua bin có công suất 2 MW sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đã đưa vào hoạt động. Mỗi tua bin gió có chiều cao 80 m, đường kính cánh quạt 100 m quay với tốc độ cao nhất 16 vòng/phút, toàn bộ 15 tua bin cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 150 triệu kW giờ/năm.

 

Tại khu vực phía Đông, Quảng Trị đã thu hút các dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 1.500 MW. Ngoài ra, tỉnh cũng đã trình bổ sung 13 dự án điện mặt trời trên địa bàn với tổng công suất 894,95 MWp, gồm: Gio Mỹ công suất 50 MWp, Vĩnh Tú công suất 50 MWp, Trúc Kinh công suất 50 MWp, Điện mặt trời nổi Ái Tử công suất 49,95 MWp, Hacom Quảng Trị công suất 50 MWp, Hải Dương - Hải Lăng công suất 80 MWp, LIG - Gio Linh 1,2,3, công suất 125 MWp, Mai Quang 1 công suất 50 MWp, Mai Quang 2 công suất 50 MWp, Điện mặt trời nổi La Ngà, công suất 90 MWp. Đặc biệt là Nhà máy điện mặt trời LIG-Quảng Trị có công suất 49,5 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Licogi 13 làm chủ đầu tư đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia quý 1/2021. Hiện nay Công ty Cổ phần năng lượng Gio Thành đang đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng và Công ty Cổ phần SECO đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2 công suất 50 MW.

 

Việc phát triển điện gió, điện mặt trời chiếm một diện tích đất khá lớn. Chỉ tính riêng để phục vụ các dự án điện gió đã lên đến gần 32.000 ha đất rừng ở vùng miền núi Hướng Hóa. Do đó việc chuyển đổi một diện tích đất khá lớn sang sản xuất điện gió cần phải tính đến những tác động vào sản xuất nông nghiệp cũng như môi trường dân sinh trên địa bàn. Bài toán đặt ra lúc này là phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người dân; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận đã chia sẻ với chúng tôi về những băn khoăn đang hiện hữu khi hình thành nên những “cánh đồng điện gió” ở địa bàn. Đến nay có thể khẳng định “cánh đồng điện gió” đã hiện hữu nhưng câu chuyện về kinh tế của người dân ở địa bàn đang là mối quan tâm hàng đầu. Do vậy, huyện cũng đã có chủ trương khai thác kinh tế trên những “cánh đồng điện gió” đó là kinh doanh du lịch và sản xuất nông nghiệp. Trong định hướng phát triển du lịch tại địa phương, huyện cũng đã triển khai thử nghiệm một số mô hình du lịch cộng đồng tại các địa bàn phát triển điện gió. Tại đây, người dân chủ động khai thác các giá trị văn hóa như nhà sàn, ẩm thực, cảnh quan thiên nhiên để thu hút du khách tham quan cùng với khám phá tìm hiểu về những “cánh đồng điện gió”. Phát triển lồng ghép tour du lịch nói trên sẽ tạo ra “hiệu ích kép” về phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Thuận tự tin khẳng định như thế.

 

Rõ ràng vấn đề quan tâm nhất hiện nay đối với Quảng Trị là bên cạnh khai thác hết tiềm năng, lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo phải gắn với công tác bảo vệ môi trường và tạo việc làm cho người dân. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát lại diện tích đất đai; tích cực phối hợp với chính quyền và người dân địa phương hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân địa phương được sản xuất trên diện tích đã cấp cho các doanh nghiệp để tăng thêm thu nhập. Phía trên không gian các doanh nghiệp khai thác gió để sản xuất điện, dưới mặt đất người dân được xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp kinh doanh du lịch. Qua việc đầu tư xây dựng những “cánh đồng điện gió”, tỉnh Quảng Trị còn hướng đến việc nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng môi trường phát triển năng lượng an toàn, thân thiện trên tinh thần cùng liên kết để phát triển. Tỉnh Quảng Trị quyết tâm cùng một lúc khai thác lợi thế về đất đai, môi trường và năng lượng tái tạo. Bởi vì phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng chính là chìa khóa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện cũng như giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, hướng đến nền kinh tế cac-bon thấp.

 

Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng bao gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, tỉnh Quảng Trị đang ngày càng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng ở miền Trung. Đặc biệt tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong phát triển năng lượng như Tập đoàn T&T, Gazprom, EGATI, Tân Hoàn Cầu, Gilex…

 

Mặc dù tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thu hút đầu tư, tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nhưng vẫn còn một số vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng; hạ tầng đấu nối chưa đầy đủ... Ngoài ra, một số chính sách chưa đồng bộ, còn thiếu nên chưa thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân. Vì thế Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định tỉnh đang chú trọng kêu gọi nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, hình thành một số trung tâm năng lượng tại các địa phương có lợi thế về điện gió, thủy điện khu vực phía Tây, điện mặt trời ở vùng ven biển của tỉnh...cho nên đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc. Mặt khác yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ, quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và đời sống dân sinh. Một khi tỉnh Quảng Trị có những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, nhà đầu tư có thiện chí thì sẽ xây dựng được mối liên kết phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa các mục tiêu và lợi ích giữa các bên, tạo sự đột phá công nghiệp năng lượng với quyết tâm xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030 như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

baoquangtri.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 170
Tổng lượt truy cập: 3.502.619
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!