Nông dân Vĩnh Linh tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh kiểm tra mô hình kinh tế ở xã Vĩnh Thủy.
Tại huyện Vĩnh Linh, nông dân xã Vĩnh Thủy là một trong điển hình tiêu biểu về tích cực tham gia tái cơ cấu nông nghiệp. Với phương châm đẩy mạnh tái cơ cấu để tạo bước đột phá trong sản xuất, Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tập trung thực hiện công tác đồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, thử nghiệm các mô hình cây trồng và con nuôi mới. Hội cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên và hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư phát triển các mô hình. Nhờ đó, diện tích gieo trồng hằng năm của toàn xã đạt trên 1.418,7 ha, trong đó diện tích cây lúa khoảng 1.123 ha với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình sản xuất lúa giống diện tích 30 ha; mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn 120 ha, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học, phân bón hữu cơ trên 110 ha… hay các mô hình trồng cây ăn quả ở vùng gò đồi phía Tây như thanh long ruột đỏ, chanh leo, bưởi da xanh với tổng diện 120ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhờ chú trọng đầu tư vào chất lượng con giống, áp dụng các khoa học kỹ thuật và liên kết đầu ra hiện nay xã đã phát triển được tổng đàn trâu bò đạt gần 1.000 con, đàn lợn 7.137 con, đàn gà 74.500 con, đàn vịt 34.450 con, đàn dê 200 con và diện tích nuôi cá khoảng 90 ha đã góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Một điển hình khác đó là nông dân xã Vĩnh Tú. Khai thác điều kiện tự nhiên đất đai vốn có, những năm qua, nông dân Vĩnh Tú đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng các hình thức sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Tú cho biết: “Với đặc thù điều kiện thổ nhưỡng vừa có vùng đất đỏ, vừa có vùng đất ruộng, cát toàn và cát pha nên Hội chủ trương vận động hội viên phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng, xen kẽ nhiều loại cây trồng để tận dụng điều kiện tự nhiên và tăng thêm nguồn thu nhập”.
Cũng chính vì thế, Vĩnh Tú là một trong những địa phương có đa dạng các loại cây trồng nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Linh với lúa chiếm khoảng trên 205 ha, hồ tiêu 45 ha, cao su 45 ha, lạc 140 ha, ngô 25 ha, sắn và khoai lang 110 ha, rau, mướp, bầu bí các loại 40 ha và dưa đỏ 110 ha. Từ năm 2017 đến nay, nông dân xã Vĩnh Tú đã tích cực thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trồng dưa lưới nhà màng, rau của quả sạch trong nhà màng... Đặc biệt, sản phẩm dưa hấu của địa phương đã xây dựng được thương hiệu, được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh săn đón, yêu thích.
Thời gian qua để góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, các cấp Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh đã triển khai sâu rộng các đề án về tái cơ cấu nông nghiệp như Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2022, Đề án Phát triển chăn nuôi, Đề án Phát triển cây ăn quả… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hội viên nông dân hiểu và thụ hưởng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện một cách sáng tạo thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, hệ thống truyền thanh cơ sở, qua mạng xã hội Zalo, Facebook.
Với phương châm “trăm nghe không bằng mắt thấy”, “không gì bằng nông dân nói cho nông dân nghe”, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm mô hình trong và ngoài tỉnh cho các cán bộ hội cơ sở và hội viên nông dân tiêu biểu. Trong 5 năm trở lại đây, Hội đã phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng mở 56 lớp dạy nghề ngắn hạn, 645 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 1.500 lượt hội viên nông dân. Cùng với đó là tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn cho trên 4.500 hộ hội viên vay vốn với tổng dự nợ gần 160 tỷ đồng. Triển khai nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hơn 2,6 tỷ đồng với 77 hộ vay để cho hội viên đầu tư phát triển kinh tế, song song là các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, máy móc thiết bị và kỹ thuật để hội viên tự tin, mạnh dạn sản xuất.
Mô hình kinh tế trang trại của nông dân xã Vĩnh Chấp.
Hoạt động của các cấp Hội Nông dân đã tích cực góp phần tăng nhanh quy mô các sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Cụ thể, đã hình thành được 4 vùng sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diển tích trên 10.400 ha, gồm: Vùng sản xuất hồ tiêu tại các xã phía Đông với diện tích 1.300 ha; vùng chuyên canh cao su tập trung tại phía Tây huyện với diện tích trên 6.775 ha; vùng sản xuất lúa hàng hóa tại các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy với diện tích 2.000 ha và vùng nuôi tôm thâm canh tập trung tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thái, Vĩnh Lâm, Vĩnh Giang, Hiền Thành,... với diện tích 330 ha. Trên lĩnh vực chăn nuôi, toàn huyện đã phát triển được 4 trang trại chăn nuôi bò có quy mô từ 50 con trở lên, 2 trang trại nuôi lợn có quy mô từ 500- 1.000 con, 3 trang trại có quy mô 1.000- 2.500 con; 15 trang trại chăn nuôi gà có quy mô từ 5.000- 10.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 915 ha với sản lượng nuôi trồng trên 1.250 tấn, tổng sản lượng thủy sản trên 5.600 tấn. Không chỉ tăng diện tích, nông dân đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong đề án tái cơ cầu nông nghiệp để nâng cao chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp. Từ đó cũng làm xuất hiện ngày càng mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả như mô hình cánh đồng mẫu lớn, lúa hữu cơ, mô hình cây ăn quả theo chuẩn ViêtGap, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao, tiêu sạch, trồng ném và lạc trên lưới xangtilen…
Ông Trần Nhật Quang- Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh khẳng định: “Thời gian qua hội viên, nông dân các cấp đã góp phần tích cực thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của huyện và tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Các hoạt động của Hội nông dân ngày càng được đổi mới, thiết thực và hiệu quả. Qua đó được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao”.
Để góp phần vào sự phát triển nền nông nghiệp của địa phương, trong thời giai tới các cấp Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với cây trồng, vật nuôi có lợi thế của huyện giai đoạn 2022-2025 mà Huyện đã đề ra. Theo đó sẽ vận động khuyến khích hội viên tập trung phát triển các loại cây trồng thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, biến đổi khí hậu. Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất đã được khẳng định có hiệu quả. Thực hiện mục tiêu tăng số lượng đi đôi với việc nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi. Đồng thời hỗ trợ tối đa về mọi mặt cho hội viên trong sản xuất nông nghiệp.
http://vinhlinh.quangtri.gov.vn/