ĐH Bách khoa Hà Nội: Sinh viên là tác giả chính, tác giả liên hệ của nhiều công bố khoa học
Sinh viên Đại học Bách khoa tự giới thiệu sản phẩm nghiên cứu của mình tại Triển lãm Sản phẩm sinh viên nghiên cứu khoa học trong hai ngày 23 và 24/6/2022. Ảnh: HUST
Từ ngày 14-24/6, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức chuỗi hoạt động thuyết trình, triển lãm sản phẩm trong khuôn khổ Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 39. Đây là hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy việc học đi đôi với hành cũng như văn hóa làm việc nhóm, trao đổi và phản biện.
Hơn 900 sinh viên từ năm nhất đến năm cuối cùng các thầy cô hướng dẫn đã tham gia sự kiện với 300 đề tài ở 22 phân ban, trong đó có hơn 80 bài báo khoa học và khoảng 70 sản phẩm nghiên cứu.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia nghiên cứu khoa học từ rất sớm - năm nay, số sinh viên khóa dưới tham gia các đề tài chiếm gần 40%.
Bà cho biết thêm, sinh viên là tác giả chính, tác giả liên hệ của gần 20 công bố trong nước và quốc tế, trong đó có cả những công bố trên tạp chí ISI-Q1 như: Nghiên cứu ứng xử động lực học của vi giọt trong thiết bị vi lưu flow-focusing dưới ảnh hưởng của chất hoạt động bề mặt (nhóm sinh viên Trường Cơ khí); Nghiên cứu chế tạo cảm biến khí và thiết bị đo ứng dụng trong giám sát nồng độ khí độc trong môi trường (nhóm sinh viên Viện Vật lý Kỹ thuật); Cải thiện tính chất nhiệt và tính chất cơ học của polyme phân huỷ sinh học poly(vinyl alcohol) bằng phương pháp crosslink với furan-2,5-dicarboxylic acid (nhóm sinh viên Viện Kỹ thuật hóa học).
Một số sinh viên khác thì là đồng tác giả của những bài báo khoa học chất lượng cao. Chẳng hạn, tại phân ban Viễn thông, 3 nhóm sinh viên K63 do PGS.TS Trương Thu Hương (Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật truyền thông - Trường Điện - Điện tử) hướng dẫn nghiên cứu về chủ đề An ninh mạng và Truyền dẫn thực tế ảo, đều là đồng tác giả những bài báo thuộc danh mục ISI-Q1. Trong đó, một nhóm sinh viên là đồng tác giả bài báo trên tạp chí có IF>7.6, thuộc top 3% tạp chí tốt nhất trong lĩnh vực Khoa học máy tính; và 2 nhóm còn lại là đồng tác giả bài báo trên tạp chí có IF=3.367.
“Với thành tích trên, các em đã có một tấm vé đảm bảo để nâng mức trần điểm đồ án tốt nghiệp lên 10 theo quy định nội bộ của ngành Điện tử Viễn thông, đồng thời có CV đủ tốt để thuyết phục các quỹ học bổng du học hoặc tìm việc tại các trụ sở R&D của doanh nghiệp,” PGS.TS Trương Thu Hương nói.
Kết thúc Hội nghị, mỗi phân ban đều trao một giải Nhất, một giải Nhì, và một giải Ba. Đại diện của Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các hội đồng không chỉ chấm điểm đề tài dựa trên tiêu chí bài báo khoa học quốc tế mà còn tính đến tính ứng dụng thực tế; mức độ đóng góp của sinh viên; và khả năng thuyết trình, trả lời chất vấn…
PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội (bìa trái) - trao giải cho một số sinh viên đạt giải Nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường. Ảnh: HUST
Các hội đồng cũng chọn ra 12 đề tài xuất sắc trong các lĩnh vực Kỹ thuật công nghệ, Y Dược, Nông nghiệp đáp ứng yêu cầu đã công bố hoặc được ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 1 năm theo quy định của Bộ GD&ĐT để gửi tham dự sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Có thể kể đến một số đề tài tiêu biểu như: Ứng dụng AI vào công tác dự báo trong ngành điện (nhóm sinh viên Trường Điện - Điện tử); Nghiên cứu chế tạo cảm biến khí và thiết bị đo ứng dụng trong giám sát nồng độ khí độc trong môi trường (nhóm sinh viên Viện Vật lý Kỹ thuật); Nghiên cứu và ứng dụng mô hình học máy trong nhận diện và xác định kích thước một số sản phẩm nông sản (nhóm sinh viên Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm)…
Các sản phẩm nghiên cứu đặc sắc cũng được trưng bày tại Triển lãm Sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên trong hai ngày 23 và 24/6 với sự tham dự của một số doanh nghiệp có mong muốn tiếp cận, hỗ trợ những ý tưởng, sản phẩm đột phá, sáng tạo của người trẻ.
Tại Hội nghị Tổng kết sinh viên nghiên cứu khoa học vào ngày 24/6, PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - đã phát động Cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022 với chủ đề “Smart up for life” với giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
Đây là cuộc thi được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2017. Từ năm 2019, đối tượng dự thi đã mở rộng tới khối các trường kỹ thuật và khối trường kinh tế - xã hội trong cả nước.
Cuộc thi gồm 4 vòng (Vòng ý tưởng: 20/7/2022; Vòng đề án: 15/9/2022; Vòng triển khai: 4/11/2022; và Vòng chung kết: 12/2022), hướng tới các sản phẩm ứng dụng cho giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế… có khả năng khởi nghiệp.
Ban tổ chức kỳ vọng sinh viên không chỉ nghiên cứu khoa học thuần túy mà còn có những trải nghiệm như một doanh nghiệp: có thuyết trình; marketing; tính toán chi phí, khấu hao sản phẩm; tính toán lỗ - lãi khi kinh doanh…
Trong suốt thời gian diễn ra Cuộc thi, Ban tổ chức sẽ tiến hành các hoạt động đào tạo, hướng dẫn các đội thi từ giai đoạn viết ý tưởng đến hoàn thiện đề án, triển khai đề án với sự hỗ trợ của các chuyên gia sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, các nhóm sẽ được hỗ trợ kỹ thuật của các mentor từ các trường đại học và các trung tâm khởi nghiệp.
https://khoahocphattrien.vn/