Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 07-07-2022

TPHCM: Các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững cho huyện Cần Giờ

Mô hình nuôi hàu tại Cần Giờ Ảnh: NNC

Cần Giờ là huyện duy nhất của TPHCM có hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) mặn, lợ. Những năm qua, lĩnh vực NTTS chiếm hơn 90% giá trị sản xuất kinh tế trong nhóm ngành nông – lâm – thủy – sản của huyệnvà tạo công ăn việc làm cho khoảng 15% dân số ở đây.

 

Tuy vậy, sự phát triển của hoạt động NTTS còn bộc lộ nhiều nguy cơ phát triển chưa bền vững - đó là sự phát triển ồ ạt, tự phát, chuyển đổi và khai thác các diện tích đất nông nghiệp sang nuôi tôm mà thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ và quy hoạch vùng nuôi. Ngoài ra, vấn đề dịch bệnh xuất hiện với tần suất cao hơn và nhiều dịch bệnh mới gây thiệt hại trên diện rộng đối với tôm và các loại nhuyễn thể. Việc sử dụng hóa chất, thuốc, thức ăn,… gây ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi.

 

Trong đề tài “Nghiên cứu đánh giá và đề xuất phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững cho huyện Cần Giờ, TPHCM”, nhóm tác giả Viện Sinh học nhiệt đới chỉ ra, sự bền vững của các mô hình NTTS tại Cần Giờ bị tác động bởi nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng nuôi; sự gia tăng tần suất dịch bệnh và xuất hiện bệnh mới; môi trường vùng nuôi, xử lý nước thải, bùn thải sau vụ nuôi; sự biến đổi của các điều kiện tự nhiên như lượng mưa, nhiệt độ, độ mặn,…

 

Nhóm tác giả cũng đưa ra các nhóm tiêu chí cần có để xác định mô hình NTTS bền vững ở Cần Giờ, như mô hình sản xuất sản phẩm phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương; sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt; mô hình có xác suất nuôi thành công cao; tỷ suất lợi nhuận tốt; cải thiện đời sống xã hội, phù hợp văn hóa, tập quán; phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển; bền vững môi trường (đất, nước, hệ sinh thái).

Hiện nay, Cần Giờ có 16 mô hình NTTS, trong đó có 3 mô hình được đánh giá là bền vững, có thể nhân rộng (nuôi tôm sú sinh thái – đầm đập, hàu và cá dứa); 6 mô hình được đánh giá tương đối bền vững (sò huyết, nghêu, tôm thẻ bán thâm canh, cua biển, cá nâu, tôm sú). Ngoài ra, có 4 mô hình ít bền vững gồm tôm thẻ tâm canh, tôm sú thâm canh, cá chim, tôm thẻ siêu thâm canh; 3 mô hình không bền vững (cá bớp, ốc hương và cá chẽm).

 

Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh theo hướng bền vững đã được nhóm tác giả xây dựng và triển khai thực nghiệm ở Ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn với hai giai đoạn ương giống và nuôi thương phẩm. Trong đó, giai đoạn nuôi thương phẩm, nhóm sử dụng rong câu và chế phẩm vi sinh EM nhằm giảm thiểu sự tích tụ của các chất hữu cơ dư thừa trong ao, ảnh hưởng đến tôm và hệ sinh thái nuôi tôm. Kết quả, tôm đạt tỷ lệ sống trung bình ở giai đoạn 1 là 88,34%, giai đoạn 2 là 84,63%, tỷ suất lợi nhuận của mô hình đạt 0,82. Các kết quả này cao hơn mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh đang canh tác tại Cần Giờ (tỷ lệ sống trung bình đạt 79%, tỷ suất lợi nhuận 0,67). Vì vậy, mô hình này có thể nhân rộng cho các hộ NTTS ở Cần Giờ.

 

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN nghiệm thu trong năm qua.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 2
Hôm nay: 1037
Tổng lượt truy cập: 4.042.507
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!