Ứng dụng giám sát và dự báo hạn hán để quản lý và ứng phó với hạn hán ở Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, ông Rishiraj Dutta - Giám đốc Chương trình phát triển nguồn nhân lực của Servir-Mekong đã gửi lời cảm ơn tới Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cùng đồng tổ chức Hội thảo và trân trọng sự hợp tác của Viện với Servir-Mekong và ADPC. Theo ông Rishiraj Dutta, Servir-Mekong là chương trình cung cấp công cụ không gian đến các nước Mê Kông được hỗ trợ bởi USAID và NASA. Đây là một chương trình dựa theo nhu cầu nhằm thúc đẩy công nghệ không gian địa lý để phát triển bền vững và cải thiện khả năng thích ứng với khí hậu ở khu vực Mê Kông. Servir-Mekong hỗ trợ các quốc gia ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Tại Việt Nam, Servir-Mekong đã làm việc với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam từ năm 2016 để thực hiện chương trình phân tích và dự báo hạn hán cũng như ước tính năng suất lúa gạo của các quốc gia hạ lưu sông Mê Kông. Trên cơ sở đó, cung cấp thông tin về điều kiện hạn hán cho các chuyên gia kỹ thuật và nhà quản lý để từ đó đưa ra các quyết định tốt hơn liên quan đến các hoạt động về quản lý nông nghiệp và tài nguyên nước.
Cảm ơn ADPC đã luôn đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói chung, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nói riêng, GS.TS Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, đây là Hội thảo rất có ý nghĩa với các nhà quản lý và khoa học. Đặc biệt, những kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo rất có ý nghĩa tham khảo trong vấn đề quản lý nước, kiểm đếm nước, nâng cao năng suất nước, giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước trong bối cảnh phát triển đô thị, phát triển thượng nguồn cũng như là tác động của biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế giới thiệu một số vấn đề về xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai trong nội dung của Đề án chuyển đổ số nông nghiệp; hệ thống theo dõi hạn hán và mùa màng ở Mê Kông (MDCW); hệ thống đánh giá cực đoan thủy văn khu vực (RHEAS); các nỗ lực quản lý rủi ro hạn hán khác nhau và các bài học kinh nghiệm (kỹ thuật và vận hành)… Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy các nhà khoa học, quản lý cũng như các thành phần kinh tế khác trong xã hội tham gia vào quản lý rủi ro hạn hán ở Việt Nam, tăng cường các dịch vụ giám sát và quản lý hạn hán ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương.
https://vjst.vn/