Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 26-07-2022

Nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội: Giải pháp để thu hút đầu tư

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (áo xanh bên trái) tham quan sản phẩm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao.

Mở đầu

Nông nghiệp CNC là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ tiên tiến để sản xuất bền vững. Trong đó các nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả nhất, ô nhiễm môi trường giảm thiểu, trong khi lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường đều được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp CNC là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cực đoan... Đồng thời, đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, phát triển nông nghiệp CNC và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp CNC đang trở thành xu hướng tất yếu ở hầu hết các nước trên thế giới.

Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn và có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên cũng giống như nền nông nghiệp của cả nước, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chủ yếu ở quy mô hộ, manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp của Thủ đô và lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng có xu hướng giảm. Vì vậy, phát triển nông nghiệp CNC là thực sự cần thiết đối với Hà Nội để đảm bảo an ninh và an toàn lương thực, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Xác định vai trò của phát triển nông nghiệp CNC, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu sản xuất nông nghiệp CNC và kêu gọi đầu tư vào 7 dự án sản xuất nông nghiệp CNC với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, mặc dù Hà Nội có lợi thế là trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước, có nhiều thuận lợi khi tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, nhưng phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa đạt được kỳ vọng và tương xứng với tiềm năng.

Thực trạng thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC của Hà Nội

Tính đến năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 164 mô hình nông nghiệp CNC, trong đó có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi và 15 mô hình thủy sản. Trong các mô hình này chỉ có duy nhất Công ty TNHH xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao (Mỹ Đức) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nấm được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC. Phần lớn các mô hình còn lại có quy mô nhỏ lẻ và mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ tiên tiến từng phần.

Trong tất cả các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội đều đề cập đến mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC. Có thể kể đến như: Chương trình 02-CTr/Tu ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đã xác định “phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm; Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 của HĐND TP Hà Nội về “Quy hoạch phát triển nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã đưa ra quan điểm phát triển liên quan đến nông nghiệp CNC và thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC. Đó là: “phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, đồng thời đưa ra định hướng đến năm 2030 phải “tăng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”... Tuy nhiên, các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội phần lớn mới chỉ đề cập đến mục tiêu “phát triển nông nghiệp CNC” một cách chung chung mà chưa đề cập đến các mục tiêu cụ thể để “thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC”. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách của Hà Nội cũng chưa xác định rõ lĩnh vực nào (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản...) là ưu tiên để thu hút doanh nghiệp đầu tư…

Mặc dù có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư vào nông nghiệp nói chung, nông nghiệp CNC nói riêng, song số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội có xu hướng biến động và tăng không đáng kể trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2015-2020, số lượng doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của Hà Nội tăng đạt tốc độ bình quân khoảng 1-2%/năm. Số lượng doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội tăng không nhiều, nhưng lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực này lại có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Bình quân trong giai đoạn 2015-2020, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Nội tăng với tốc độ hơn 20%/năm. Trong các mô hình nông nghiệp CNC của TP Hà Nội, phần lớn thuộc lĩnh vực trồng trọt. Như vậy, có thể nhận thấy lĩnh vực trồng trọt đang nhận được sự quan tâm đầu tư của các cơ sở sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn TP Hà Nội. Một số mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất đáng ghi nhận như mô hình sản xuất và đóng gói nấm kim châm theo công nghệ của Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao (Mỹ Đức) có doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động…

Mô hình sản xuất rau hữu cơ CNC tại huyện Đan Phượng (ảnh: Ngọc Ánh).

 

Bên cạnh vận dụng các chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC của Chính phủ và TP Hà Nội, một số huyện đã thực hiện thêm các chính sách riêng để thu hút doanh nghiệp, HTX, trang trại đầu tư vào nông nghiệp CNC và bước đầu đã đạt được các kết quả tốt tại các huyện Đan Phượng, Ứng Hòa, Thường Tín... Tuy nhiên, cũng có những huyện thực hiện các dự án thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC chưa thành công, như trường hợp Dự án sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ cao tại xã Tân Phú, huyện Quốc Oai.

Giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC

Từ những phân tích nêu trên, để phát triển và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC của Hà Nội, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện và thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp CNC và khu nông nghiệp CNC. Để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao hiện đại, bền vững, TP Hà Nội cần giải quyết mối quan hệ giữa phát triển đô thị và nông thôn theo một tổng thể đã định sẵn dựa trên các quy hoạch được phê duyệt. Do đó, phát triển nông nghiệp CNC Hà Nội phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo ra một cấu trúc cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô. Theo đó, các địa phương cần quy hoạch phát triển nông nghiệp CNC trên cơ sở lợi thế tự nhiên, khả năng đầu tư, cân đối cung cầu. Cùng với đó là thu hồi những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, đất dự án bỏ hoang để giao lại cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Hai là, đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC đã được ban hành. Trên thực tế, TP đã sớm ban hành chủ trương và một số nhóm chính sách cụ thể thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có thu hút doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp CNC gắn với bảo vệ môi trường. Song nguồn lực cho việc thực hiện những chính sách này còn hạn chế; nhiều ban/ngành của TP vẫn chưa tiếp cận được với các nguồn lực để thực hiện chủ trương, chính sách. Một số nguồn cụ thể thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 02-Tr/TU vẫn còn thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Do đó, kết quả và hiệu quả thực hiện nhóm chính sách nông nghiệp CNC và thu hút DN vào sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp CNC. Phát triển nguồn nhân lực được xác định là mục tiêu then chốt, có ý nghĩa quyết định để Hà Nội trở thành một trong những đầu tàu phát triển kinh tế, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ của cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng được xác định vừa là yêu cầu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Hà Nội. Thực tế, các cấp chính quyền của TP Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp CNC, tuy nhiên các kết quả đạt được chưa đáp ứng được kỳ vọng. Vì vậy, cần tăng cường và tiếp tục công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp CNC để tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Bốn là, tăng cường việc xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp là đầu tàu của chuỗi. Những mô hình này vừa tạo nền tảng cho việc xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp quy mô khép kín, vừa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quan, lưu thông sản phẩm và xúc tiến thương mại. Giải pháp này sẽ giúp chứng minh vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nguồn lực (vốn, tài chính) vào phát triển nông nghiệp CNC, khả năng tận dụng các quan hệ thương mại của doanh nghiệp, đồng thời có thể huy động nguồn lực của người dân, HTX trong sản xuất các loại nông sản có thế mạnh.

Năm là, đẩy mạnh hỗ trợ giống, vật tư sản xuất cho các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp CNC, mà doanh nghiệp là đầu tàu. Những mô hình này sẽ giúp đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội đối với các chuỗi giá trị nông sản có ứng dụng CNC vào sản xuất, kinh doanh.

Sáu là, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp CNC. Đối với Hà Nội, các chủ trương và định hướng phát triển nông nghiệp CNC đã được ban hành trong nhiều các văn bản chính sách. Tuy nhiên, công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về tầm quan trọng và vai trò của nông nghiệp CNC đối với phát triển kinh tế - xã hội chưa được thực hiện một cách bài bản và có hiệu quả. Kết quả khảo sát cho thấy, rất ít số cơ sở sản xuất nông nghiệp biết đến các chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC của TP. Vì vậy, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp CNC là thực sự cần thiết.

Phát triển nông nghiệp CNC là 1 trong 6 giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội đã được cụ thể hóa tại Chương trình 02-CTr/TU. Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình, TP đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp CNC và đạt được những kết quả nhất định, tập trung vào lĩnh vực: hoa, cây cảnh; rau an toàn; chăn nuôi và chế biến thịt tập trung. Các chính sách của TP đã và đang tiếp tục tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo nghề, hỗ trợ tập huấn về nông nghiệp CNC; hỗ trợ đầu tư giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ trực tiếp vào sản xuất, các mô hình trình diễn và hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện mục tiêu mà Chương trình 02-CTr/TU đặt ra, các cấp/ngành của TP và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc vận dụng các nguồn vốn vào thực hiện nông nghiệp CNC và linh động vận dụng mọi chính sách triển khai thực hiện, trong đó ưu tiên việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản gắn với doanh nghiệp để tạo nguồn lực cho việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp.

https://vjst.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 194
Tổng lượt truy cập: 4.041.664
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!