Nhiều giải pháp công nghệ thúc đẩy “nhà máy thông minh” tại Việt Nam
Một ví dụ về kiểm tra chất lượng bánh quy bằng MVS. (Ảnh: chụp màn hình)
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã nhanh chóng bùng nổ, mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực sản xuất. Cùng với đó, những đột phá công nghệ đã thay đổi hoàn toàn quy trình, phương thức sản xuất và cách quản lý truyền thống, từ đó sự ra đời của một nhà máy sản xuất thông minh là điều tất yếu. Trong mỗi một nhà máy thông minh này, hệ thống IoT (Internet of Things) giúp kết nối toàn bộ hệ thống khác nhau bằng internet và các thiết bị được điều khiển từ xa, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các công đoạn, nâng cao chất lượng và giảm bớt sức lao động của con người.
Với những lợi ích đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hoá quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện, giúp nhà máy “thông minh” hơn. Một số giải pháp tiêu biểu đã được các chuyên gia về chuyển đổi số chia sẻ tại hội thảo "Hệ thống điều hành sản xuất MES - Chuyển đổi số trong nhà máy thông minh".
MVS - Giải pháp thị giác thông minh
Từ lâu, việc kiểm tra ngoại quan là một trong những công đoạn quan trọng của mọi doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên hiện nay, công đoạn này sử dụng chủ yếu con người để kiểm tra và tồn đọng nhiều nhược điểm như: thời gian xử lý lâu; năng suất thấp; mang tính chủ quan cao; chi phí lớn; thiếu an toàn lao động; không phù hợp với xu hướng công nghệ 4.0…
Vì vậy, MVS (Machine Vision System) - một nền tảng sử dụng camera thu thập hình ảnh và xử lý với thuật toán tích hợp sẵn trên bộ xử lý sẽ là giải pháp hữu hiệu giải quyết những khó khăn này.
Cụ thể, công nghệ này sử dụng cảm biến (máy ảnh), xử lý thuật toán phần cứng và phần mềm để tự động hóa các nhiệm vụ kiểm tra trực quan phức tạp, từ đó tăng độ tin cậy cho những sản phẩm khó phát hiện bằng mắt thường. Công dụng của hệ thông này bao gồm: phân loại sản phẩm; đếm số lượng và kiểm tra đặc tính sản phẩm; kiểm tra hình thái học thành phẩm; đo lường không tiếp xúc; nhận dạng ký tự; kiểm tra khiếm khuyết; kiểm tra – đọc dữ liệu QR code tốc độ cao...
APM - Phần mềm quản lý giám sát
APM (Asset Performance Management) là một giải pháp quản lý tài sản theo thời gian thực, chứa các ứng dụng để lập kế hoạch và theo dõi các hoạt động bảo trì, lập lịch bảo trì phòng ngừa, quản lý tài sản và hàng tồn kho, quản lý hồ sơ bảo trì và tạo báo cáo bảo trì. APM có thể được tích hợp dễ dàng với nhiều loại SKU như mã vạch, mã QR, RFID…
Phần mềm này gồm có hai chức năng chính là: Asset Utilization, giúp quản lý dữ liệu tài sản và thiết bị (tần suất sử dụng, mức độ dễ sử dụng, ROI) và Asset Maintenance, giúp theo dõi lịch bảo trì và tiến độ bảo trì, bao gồm các nhiệm vụ được giao cho kỹ thuật viên.
Hơn thế, APM có thể giải quyết các vấn đề phổ biến tồn tại nhiều năm tại doanh nghiệp của bạn mà các giải pháp khác không thể giải quyết được. Trong đó, các vấn đề về thiếu tình trạng đánh giá, khấu hao tài sản, cần nhiều nỗ lực hơn để bảo trì tài sản hay thiếu sắp xếp lịch bảo trì (chu kỳ ngắn hạn, dài hạn), trùng lặp lịch trong bảo trì và sản xuất sẽ được APM giải quyết.
Bên cạnh đó, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực thiếu hiệu quả. Đồng thời giải quyết sự chậm trễ, cẩu thả của nhân viên trong việc bảo trì, giảm thiểu gián đoạn sản xuất và bảo trì không cần thiết cũng như những vấn đề về thiếu danh sách kiểm tra cụ thể cho từng sản phẩm...
Giải pháp OEE – Hiệu suất thiết bị tổng thể
OEE (Overall Equipment Effectiveness) là thước đo hiệu quả hoạt động của một thiết bị một cách tổng thể thông qua cả ba mặt nguồn lực: thời gian, chất lượng và tốc độ vận hành, dựa trên việc quản lý hiệu suất của người quản lý và qua đó giúp chỉ ra các vùng cơ hội để cải tiến. Cho đến nay, OEE được đánh giá là cách bao quát nhất để đo hiệu quả sản xuất các thiết bị của nhà xưởng.
Với khả năng hội tụ dữ liệu trong môi trường OT/IT tích hợp, giải pháp sẽ đưa ra bức tranh toàn diện hơn về dữ liệu và thông tin theo thời gian thực giúp người dùng đưa ra quyết định vận hành và kinh doanh nhanh chóng, từ đó rút ngắn thời gian phát triển và giảm chi phí các dự án. Cùng với đó, giải pháp được đánh giá là dễ dàng tùy chỉnh và mở rộng. Với giao diện chuẩn công nghiệp, công cụ cấu hình dễ dàng và nền tảng phần mềm có thể mở rộng, giải pháp OEE cho phép bảng điều khiển KPI có thể tùy chỉnh và các ứng dụng gia tăng.
Bảng hiển thị trực quan các thông số OEE. (Ảnh: eco-zenergy.com/)
Với thiết kế riêng biệt, bảng điều khiển OEE lấy người dùng làm trung tâm, cung cấp tổng quan nhanh về các KPI hoạt động của nhà máy. Các bảng điều khiển trực quan bao gồm xu hướng, đồ thị, sơ đồ và hiển thị quá trình, cho phép người dùng xem dữ liệu lịch sử và thời gian thực trong các bảng để phân tích và báo cáo dạng bảng.
Hơn thế, giải pháp giúp truy cập từ xa, mọi lúc mọi nơi và khả năng truy cập vào bảng điều khiển OEE từ nhiều thiết bị di động cho phép các nhà khai thác xem dữ liệu và nhận được thông tin chi tiết một cách chủ động. Đồng thời, OEE cũng hỗ trợ các nhà quản lý xác định tình hình kinh doanh, đưa ra quyết định và xác định các hành động phù hợp để thực hiện.
Giải pháp SRP FEMS - Số hoá việc quản lý năng lượng
Dựa trên dữ liệu thời gian thực thu được từ đồng hồ thông minh, FEMS SRP cho phép người dùng theo dõi mức độ tiêu thụ năng lượng, đánh giá chính xác chi phí năng lượng và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, hỗ trợ các chiến lược kinh doanh thông minh trong quản lý năng lượng.
Tính năng nổi bật của hệ thống này là quản lý dữ liệu trong thời gian thực chỉ số tiêu thụ năng lượng và chi phí liên quan có thể được đo lường dựa trên giờ, ngày, tháng hoặc năm, theo từng bộ phận, bộ phận tổng hợp hoặc cấp độ công ty. Bằng cách đặt các điểm chuẩn và so sánh hiệu suất hiện tại với các mục tiêu đã đặt, thật dễ dàng để phân tích việc sử dụng năng lượng và tiện ích để hỗ trợ cải thiện hiệu quả năng lượng.
Cùng với đó, bảng điều khiển trực quan việc tính toán hiệu suất, hiển thị dữ liệu và báo cáo có thể được theo dõi dễ dàng hơn bằng các công cụ bảng điều khiển. Menu điều hướng và màn hình bảng điều khiển có thể được tùy chỉnh từ giao diện người dùng, bao gồm xu hướng, đô thị, sơ đồ và bảng. Nó cũng cung cấp các KPI và chức năng quản lý các báo động.
FEMS SRP sẽ mang đến những lợi ích là nâng cao hiệu quả như trực quan hóa dữ liệu năng lượng của nhà máy, ngăn chặn hoạt động hiệu suất thấp của thiết bị, cải thiện chi phí năng lượng trên mỗi đơn vị, tăng cường theo dõi và quản lý KPI. Đồng thời, làm giảm thiểu lãng phí cho doanh nghiệp bằng cách cho phép giám sát minh bạch về sử dụng năng lượng, xác định nguyên nhân tiêu thụ năng lượng bất thường và loại bỏ các lãng phí thông thường. Ngoài ra, việc sử dụng FEMS SRP sẽ góp phần tăng lợi nhuận bằng việc giảm chi phí năng lượng, cắt giảm sự lãng phí không cần thiết, nâng cao năng suất và quản lý cũng như nâng cao nhận thức về cải thiện hiệu quả năng lượng...
MES - Giải pháp quản lý thực thi sản xuất
Một giải pháp tiêu biểu giúp thúc đẩy "nhà máy thông minh" là MES (Manufacturing Execution System), hệ thống quản lý sản xuất tích hợp tập trung vào giám sát khu vực sản xuất, kiểm soát, hậu cần, theo dõi lịch sử và quản lý chất lượng sản phẩm theo thời gian thực với mục tiêu nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.
MES cung cấp thông tin hữu ích để tối ưu hóa sản xuất và theo dõi tất cả dữ liệu sản xuất ngay tại thời điểm hoạt động. Là một hệ thống thông tin tích hợp chuẩn, MES không chỉ phục vụ như một trung tâm thông tin giữa các hệ thống doanh nghiệp khác nhau (ERP, QMS, EAM, SCM, và Tự động hóa), mà còn quản lý và tối ưu hóa các hoạt động, quá trình sản xuất của nhà máy hàng ngày.
Giải pháp bao gồm hệ thống 6 module lõi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của sản xuất như: tích hợp thiết bị Iot kết nối máy sản xuất; quản lý truy xuất nguồn gốc; quản lý thiết bị; quản lý chất lượng; quản lý kho; quản lý sản xuất (Ảnh: nghenoithat.vn/)
Giải pháp này mang lại nhiều lợi ích cho các nhà máy như: hỗ trợ lên kế hoạch sản xuất được chính xác hơn; tăng khả năng kiểm soát đối với quá trình sản xuất thông tin điều hành cho nhà quản lý được cập nhật theo thời gian thực; nâng cao năng suất của máy móc, giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư máy móc sản xuất (nâng cao hiệu quả đầu tư); tăng tuổi thọ máy, giảm chi phí bảo dưỡng máy móc; giảm thời gian dừng máy do sự cố; cải thiện năng suất của công nhân vận hành máy...
Có thể thấy, những giải pháp về công nghệ nói chung có vai trò then chốt thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế của Việt Nam.
Nhà máy thông minh là một hệ thống chủ động trong đó con người kiểm soát máy móc, thiết bị sản xuất và theo dõi các dữ liệu đã được số hóa thông qua hệ thống để đảm bảo hiệu quả sản xuất, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh mà không cần can thiệp quá nhiều.
https://congnghiepcongnghecao.com.vn/