Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đã được thể hiện rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nội dung Luật được nhiều người quan tâm nhất là quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động cho tổ chức chủ trì nghiên cứu; đồng thời tổ chức chủ trì trở thành chủ sở hữu khi các đối tượng đăng ký được cấp văn bằng bảo hộ. Luật cũng bổ sung các quy định để Nhà nước kiểm soát, bảo đảm việc khai thác có hiệu quả và cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì nghiên cứu và lợi ích của Nhà nước với tư cách là chủ đầu tư và lợi ích xã hội. Thực tiễn cho thấy, nhiều kết quả nghiên cứu bị “cất vào ngăn kéo”, quy định pháp luật không được thực hiện đầy đủ hoặc tài sản của Nhà nước không được bảo vệ, khai thác một cách thỏa đáng. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc Luật trao quyền đăng ký một cách tự động sẽ tạo cơ sở cho tổ chức chủ trì nghiên cứu có thể chủ động khai thác, sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…, đẩy nhanh hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích, gia tăng giá trị kinh tế. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cũng là một chính sách lớn của việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này. Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục đăng ký trong cả ba lĩnh vực: Quyền tác giả và quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Thí dụ, trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đã bổ sung quy định về hình thức nộp hồ sơ trực tuyến; bổ sung một số thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan như thông tin về thời gian hoàn thành, chủ sở hữu quyền tác giả, thông tin về cấp lại, cấp đổi trong tờ khai, sửa đổi quy định về tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền… Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, quy định đã đơn giản hóa thành phần hồ sơ, làm rõ trình tự thẩm định, từ đó giúp rút ngắn thời hạn thẩm định đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch của quá trình thẩm định đơn, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cũng như các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Một trong các mục tiêu quan trọng của việc sửa Luật là nhằm thi hành các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia gần đây, trong đó có những cam kết ở mức độ cao về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mới đây, Việt Nam đã gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WCT). Theo đó, một số nội dung quan trọng được đưa vào Luật nhằm bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế như: Bổ sung các quy định làm rõ nội dung các quyền tài sản, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình...; bổ sung một số trường hợp giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; bổ sung quy định một số hành vi xâm phạm quyền tác giả,... Riêng trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp, Luật đã bổ sung quy định về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; quy định về nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm đối với nông hóa phẩm và nghĩa vụ bảo đảm thông tin cho chủ thể bằng độc quyền sáng chế thực thi quyền trong thủ tục đăng ký dược phẩm. Ngoài ra, quy định về cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm. Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, các cam kết về sở hữu trí tuệ tại các hiệp định thương mại tự do được đánh giá là ở mức độ cao đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, do đó, các quy định bảo đảm thi hành cam kết quốc tế được xây dựng trên cơ sở tận dụng tối đa các linh hoạt mà các điều ước cho phép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam-với vị thế là các chủ thể khai thác công nghệ của thế giới đang trong quá trình chuyển sang tạo ra tài sản trí tuệ phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu-có đủ thời gian bắt kịp với những thay đổi của quá trình hội nhập. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai một số hoạt động để phổ biến, hướng dẫn thi hành luật. Luật đi vào cuộc sống sẽ góp phần tạo động lực để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh hơn, từ đó tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tự tin hội nhập vào sân chơi chung của thế giới. |