Hoàn thiện pháp luật để giải quyết tranh chấp trực tuyến
Trong kinh doanh, đầu tư quốc tế, việc tranh chấp là không thể tránh khỏi
Theo Quochoi.vn, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại.
Trong kinh doanh, đầu tư quốc tế, việc tranh chấp là không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi mở cửa, hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ theo “luật chơi” quốc tế trên một thị trường toàn cầu rộng lớn.
Giao dịch có yếu tố nước ngoài chịu sự điều chỉnh, ảnh hưởng của các hệ thống pháp luật, thông lệ thương mại và văn hóa kinh doanh khác nhau càng khiến nguy cơ tranh chấp thương mại gia tăng.
Sử dụng công cụ giao tiếp trực tuyến để tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp
TS. Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, các mô hình kinh doanh mới, cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn tới những thay đổi trong cách thức giải quyết tranh chấp (Tòa án điện tử, xét xử trực tuyến…) và phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp.
Thực tế, trong thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp gặp rủi ro khi mua bán, đầu tư, hoạt động dịch vụ với các đối tác trong nước và nước ngoài. Đặc biệt khi tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp thường lúng túng trong việc xử lý.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu áp dụng các hình thức và phương thức giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp, có hiệu quả và trở thành một đòi hỏi khách quan để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế, qua đó, tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Theo dự báo của các nhà khoa học, thời gian tới, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phát triển nhanh, tác động ngày càng sâu sắc và nhiều mặt tới kinh tế thế giới và tới sự phát triển của các quốc gia. Sự cạnh tranh quyết liệt cả ở các mối quan hệ xã hội mang tính quốc tế sẽ dẫn đến sự gia tăng các tranh chấp và làm phát sinh các yêu cầu, thách thức mới đối với việc giải quyết tranh chấp.
Một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được coi là phù hợp với yêu cầu và thách thức của thực trạng tranh chấp hiện nay và trong tương lai là giải quyết tranh chấp trực tuyến.
Giải quyết tranh chấp trực tuyến được hiểu một cách đơn giản và trực tiếp nhất là việc sử dụng công cụ giao tiếp trực tuyến để tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp.
TS.Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp trực tuyến là phải hoàn thiện quy định về văn bản điện tử, chữ ký điện tử, chứng cứ điện tử
Ths. Cao Xuân Phong, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, khung pháp lý cho trọng tài trực tuyến và hòa giải trực tuyến cũng như quy trình giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài theo thủ tục trọng tài và hòa giải trực tuyến sẽ phát triển từ nền tảng khung pháp lý/quy trình hiện tại cho trọng tài và hòa giải thương mại ngoại tuyến, với sự bổ sung một số quy định để giải quyết vấn đề đặc thù của “trực tuyến”.
Cũng theo Ths. Cao Xuân Phong, xu hướng chung trên thế giới là không nhất thiết phải ban hành luật mới để điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, việc sửa đổi bổ sung hàng loạt quy định hiện hành để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của giải quyết tranh chấp trực tuyến và đưa các khuổn khổ, tiêu chuẩn pháp lý hiện hành vào giải quyết tranh chấp trực tuyến là điều các tổ chức quốc tế và các quốc gia phát triển đang thực hiện.
Từ kinh nghiệm quốc tế, một số khía cạnh pháp lý riêng có đặt ra từ việc giải quyết tranh chấp trực tuyến cần được xem xét bao gồm: Hợp đồng thông minh; Chứng cứ điện tử; Chữ ký số; Giá trị pháp lý của phán quyết của trọng tài trực tuyến/hòa giải trực tuyến; Quy định về trách nhiệm của các bên liên quan trong triển khai thực hiện giải quyết tranh chấp trực tuyến;…
Ths. Cao Xuân Phong kiến nghị, bất kỳ quy trình giải quyết tranh chấp nào cũng đều phải dựa trên các chứng cứ của tranh chấp. Do đó, yêu cầu đầu tiên đối với việc hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp trực tuyến là phải hoàn thiện quy định về văn bản điện tử, chữ ký điện tử, chứng cứ điện tử.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên trong các mối quan hệ trực tuyến có hoặc không sử dụng nền tảng công nghệ (trách nhiệm đối với an toàn thông tin, trách nhiệm đối với bảo mật dữ liệu, trách nhiệm cẩn trọng trong ứng xử, trách nhiệm trong các tình huống tranh chấp cụ thể).
Cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử đối với lĩnh vực tư pháp; sửa đổi văn bản pháp luật có liên quan đến cách thức thu thập chứng cứ điện tử
Về nội dung này, TS. Dương Quỳnh Hoa, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, trong những năm gần đây, số lượng các giao dịch thương mại điện tử tăng nhanh và đồng thời số lượng các tranh chấp cũng nhiều lên. Các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống trực tiếp tại toà trở nên kém hiệu quả.
Do vậy, để thích ứng và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, chính phủ nhiều quốc gia đã thúc đẩy việc ra đời và phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến. Đây là quá trình giải quyết tranh chấp thông qua trực tuyến, bao gồm những hình thức giải quyết tranh chấp thay thế (thương lượng, hòa giải và trọng tài) và tòa án có sử dụng công cụ đặc biệt là công nghệ internet trong một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp.
Theo TS. Dương Quỳnh Hoa, mặc dù pháp luật liên quan đến thương mại điện tử ở nước ta khá đầy đủ, nhưng lại thiếu vắng các quy định điều chỉnh trực tiếp về giải quyết tranh chấp trực tuyến. Điều này gây ra khó khăn trong việc áp dụng pháp luật vào giải quyết tranh chấp thương mại điện tử.
Để có thể tăng cường áp dụng hình thức giải quyết tranh chấp trực tuyến ở nước ta, TS. Dương Quỳnh Hoa kiến nghị, cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử đối với lĩnh vực tư pháp; sửa đổi văn bản pháp luật có liên quan đến cách thức thu thập chứng cứ điện tử, quy trình thu thập, quyền của chủ thể khi tiến hành thu thập;...
Việc đưa ra các quy định pháp luật mới phải đảm bảo tính mở tương đối để đạt được tính “trung lập” về công nghệ
Ngoài ra, theo một số chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang trong quá trình phát triển và việc xuất hiện các công nghệ mới cũng như ứng dụng của các công nghệ đó sẽ còn tiếp tục là xu hướng phát triển trong thời gian tới, việc đưa ra các quy định pháp luật mới phải đảm bảo tính mở tương đối để đạt được tính “trung lập” về công nghệ. Nếu không thực hiện được điều này, việc phải liên tục thay đổi, cập nhật pháp luật “chạy theo” công nghệ sẽ là một ám ảnh đối với cả các nhà làm luật và những người có trách nhiệm tuân thủ, thi hành pháp luật.
Các chuyên gia cũng lưu ý, một số vấn đề pháp lý tồn tại từ hoạt động của trọng tài, hòa giải ngoại tuyến hiện nay cũng cần phải giải quyết, vì giải quyết tranh chấp trực tuyến được xác định là chuyển từ môi trường vật lý sang môi trường ảo nên các vướng mắc pháp lý cản trở sự phát triển của trọng tài và hòa giải trong môi trường vật lý cũng vẫn là vướng mắc cản trở sự phát triển của các hình thái này trong môi trường trực tuyến.
Đồng thời, cần có sự rà soát đồng bộ các quy định pháp luật liên quan tới giao dịch nói chung và tới việc giải quyết tranh chấp nói riêng như Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật giao dịch điện tử, quy định về chữ ký số (Nghị định 130/2018/NĐ-CP), Luật Trọng tài Thương mại, quy định về hòa giải, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Dân sự;..../.
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/