Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 14-10-2022

Ngừng dùng kháng sinh phòng bệnh trên vật nuôi

Lộ trình giảm sử dụng kháng sinh

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), gần nửa thập kỷ qua, tổng đàn lợn, bò, bò sữa và gia cầm ở Việt Nam đã tăng nhanh chóng, có đàn lên tới 9%. Tăng trưởng sản xuất sản phẩm chăn nuôi cũng tăng từ 6,8 - 14,5% trong giai đoạn 2015-2021.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cao cũng kèm theo những bất cập. Để đáp ứng nhu cầu, nhiều trang trại và hộ chăn nuôi đã sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn như một biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và dự phòng bệnh tật nhằm giúp vật nuôi lớn nhanh hơn và ít bệnh tật hơn.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Antimicrobial Resistance & Infection Control vào năm 2020 ước tính, Việt Nam hiện sử dụng khoảng 3838 tấn thuốc kháng sinh mỗi năm, trong đó hơn 70% được dùng trên động vật, số còn lại sử dụng trên người. Tính ra, lượng kháng sinh sử dụng trung bình trên động vật là 247 mg/kg, cao hơn ở châu Âu là 151 mg/kg.

Hiện nay, kháng sinh trên động vật được sử dụng vào ba mục đích: phòng bệnh (dùng thuốc liều nhẹ cho vào nước uống hoặc trộn với thức ăn chăn nuôi cho vật nuôi đang khỏe mạnh để thúc đẩy tăng trưởng và đề phòng trường hợp chúng mắc bệnh); điều trị dự phòng (dùng thuốc cho một nhóm động vật có nguy cơ mắc bệnh khi trong đàn có một vài con mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh); và điều trị bệnh (dùng thuốc cho động vật mắc bệnh).

Việc lạm dụng kháng sinh phòng bệnh một cách tràn lan hoặc trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để ‘vỗ béo’ mà không có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia, bác sĩ thú y đã gây ra hệ quả đáng lo ngại: một lượng lớn kháng sinh đang bị tồn dư trong vật nuôi và thực phẩm.

Chính lượng kháng sinh tồn dư này khiến cho các vi khuẩn thông thường trở nên kháng thuốc hơn, từ đó quay lại chống hầu hết các loại kháng sinh mà người chăn nuôi đang sử dụng. Nhiều nhóm nghiên cứu ở Việt Nam đã giải trình tự gene vi khuẩn ở các mẫu thịt, cá, phân động vật và phát hiện ra nhiều loại vi khuẩn đã tiến hóa để mang gene chống lại 3-4 nhóm kháng sinh khác nhau. Vì có nhiều nhóm kháng sinh sử dụng cho người như Tetracyclin, Amoxicillin cũng được sử dụng cho động vật nên một khi tình trạng kháng kháng sinh xảy ra trong động vật, chúng cũng xảy ra ở người.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tình trạng kháng kháng sinh tồi tệ nhất trong khu vực. Khu vực chăn nuôi chịu trách nhiệm rất lớn cho tình trạng này, bên cạnh khu vực y tế.

Trước bối cảnh đó, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững (tầm nhìn đến năm 2050) với một trong những mục tiêu là giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản.

Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ năm 2020) yêu cầu thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải là “các loại thuốc được phép lưu hành” và “sử dụng theo đơn” nếu được dùng để phòng bệnh cho con non hoặc vật nuôi nhiễm bệnh. Hiện có khoảng 16 loại kháng sinh như vậy.

Các hướng dẫn dưới luật đã mô tả cụ thể hơn về việc sử dụng kháng sinh phòng bệnh và lộ trình giảm sử dụng chúng. Theo đó, thuốc thú y chứa các loại kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh đặc biệt quan trọng, rất quan trọng và quan trọng với người chỉ được lưu hành và sử dụng lần lượt đến hết năm 2020, 2021 và 2022.

Sau năm 2022, ngoài những loại kháng sinh dùng chung với người, thuốc thú y có chứa các loại kháng sinh còn lại cũng chỉ được sử dụng đến hết năm 2025.

Từ năm 2026, tất cả kháng sinh trên động vật chỉ được dùng với hai mục đích: điều trị và điều trị dự phòng.

Những biện pháp thay thế kháng sinh

Câu hỏi đặt ra là nếu không được dùng kháng sinh để phòng bệnh thì các hộ chăn nuôi và trang trại có biện pháp gì thay thế?

Trả lời vấn đề này tại hai hội thảo về sử dụng kháng sinh thận trọng và tăng cường nhận thức về kháng kháng sinh cho các hộ chăn nuôi và các công ty cung cấp chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn (3F-Farm-Feed-Food) do Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) tổ chức vào ngày 30/9 và 7/10 vừa qua, TS. Võ Trọng Thành, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh giải pháp ưu tiên số một là áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông giải thích, nếu an toàn sinh học được áp dụng đồng bộ từ con giống, thức ăn, nguồn nước, chuồng trại, môi trường…. thì trong suốt quá trình lớn, con vật sẽ không gặp mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào và do vậy không có nhu cầu sử dụng kháng sinh.

Chẳng hạn, khi nhập giống vật nuôi, người chủ phải biết rõ lai lịch, tình trạng bệnh dịch của động vật. Trước khi nhập đàn phải cách ly theo quy định. Khu vực chăn nuôi phải cách xa nhà ở, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác và có các dãy hố vôi sát trùng. Phải thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và môi trường xung quanh. Thức ăn và nước uống phải được theo dõi nguồn gốc, không để chim hoang dã, các loài gặm nhấm, chó mèo và người lạ tiếp xúc vào. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi cũng phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp.

Một số biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi | Ảnh: Chăn nuôi Việt Nam

Có thể nói, an toàn sinh học là chiến lược lớn nhất mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang theo đuổi. Chúng đem lại nhiều lợi ích, không chỉ giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh trên động vật mà còn hạn chế lan truyền các dịch bệnh và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng chăn nuôi.

TS. Võ Trọng Thành chỉ ra, giảm sử dụng kháng sinh bằng các biện áp an toàn sinh học có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí không nhỏ. Ông cho biết ở Việt Nam hiện nay, chi phí thú y thông thường rơi vào khoảng 5-7% giá thành sản phẩm và có thể lên tới 10-12% trong các đợt dịch bệnh. Trong khi đó, ở các nước phát triển như Hà Lan, khi các chuỗi sản xuất thực phẩm áp dụng tốt an toàn sinh học, con số này có thể giảm chỉ còn 0,5%.

“Giảm chi phí thú y dễ hơn tăng năng suất trên một đơn vị, dễ hơn giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Chi phí giảm được có thể tính là phần lợi nhuận thêm vào của người nông dân và trang trại. Do vậy, an toàn sinh học là con đường rất quan trọng giúp người chăn nuôi có lãi và cũng đem lại lợi ích cho cộng đồng”, TS. Thành nhấn mạnh.

Ngoài an toàn sinh học, các chuyên gia tại hội thảo – bao gồm người làm tại các viện nghiên cứu và các công ty lớn đang thử nghiệm những biện pháp thay thế kháng sinh – cũng đưa ra nhiều lựa chọn như: dùng các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có chất lượng tốt và đảm bảo vệ sinh để vật nuôi có nguồn dinh dưỡng phát triển khỏe mạnh hơn; tiêm vaccine phòng các bệnh đặc hữu thường gặp; trộn các chất cải thiện sức khỏe đường ruột vào thức ăn và nước uống như probiotic, prebiotic, enzyme, acid hữu cơ, chiết xuất thảo dược, sản phẩm lên men… để giúp động vật cân bằng hệ tiêu hóa và giảm rủi ro bị bệnh.

ThS. Bùi Thị Hương Giang từ Công ty Hưng Thịnh chuyên cung cấp nguyên liệu và phụ gia chế biến thực phẩm, nhấn mạnh rằng không có sản phẩm riêng lẻ nào có thể dùng thay thế kháng sinh 100%, do đó việc kết hợp nhiều cách tiếp cận có thể đem lại hiệu quả tốt hơn.

Vai trò tiên phong của các công ty 3F

Khi nói đến tác động của việc cấm sử dụng kháng sinh dự phòng vào năm 2026 và những lo ngại rằng khi không còn được phép sử dùng kháng sinh vì mục đích dự phòng thì liệu tình trạng dùng kháng sinh để điều trị có tăng vọt lên, TS. Nguyễn Đức Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng toàn bộ 10 triệu hộ chăn nuôi - trong đó có khoảng 2 triệu hộ chăn nuôi lợn, 7 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và còn lại là các hộ chăn nuôi hỗn hợp - đều có thể bị ảnh hưởng nếu không làm tốt ngay từ bây giờ.

Trong quá trình chuyển đổi, ai chậm thích ứng đều sẽ bị thiệt hại. Việc sử dụng kháng sinh chắc chắn sẽ ngày càng bị hạn chế và kiểm soát gắt gao. Thế giới đã đi theo xu hướng và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quy luật. Nhất là khi các hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA đang khiến nhiều công ty chăn nuôi nước ngoài dễ dàng tiếp cận với thị trường hấp dẫn hơn 100 triệu dân của Việt Nam với những sản phẩm chăn nuôi có tiêu chuẩn chất lượng cao. Nhiều nước trong số đó đã có lệnh cấm sử dụng kháng sinh trên động vật từ nhiều năm. Nếu không giảm dần sử dụng kháng sinh trong thời gian tới, các trang trại Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh ngay trên sân nhà.

TS. Đặng Thị Thanh Sơn từ Viện Thú y (Bộ NN&PTNT) phân tích rằng hiện nay, mức độ sử dụng kháng sinh chăn nuôi trong nông hộ hoặc trong các trang trại chăn nuôi nhỏ (dưới 30 đơn vị vật nuôi) không đáng ngại bằng trang trại chăn nuôi trung bình, trong khi các trang trại chăn nuôi lớn đã có những biện pháp quản lý tương đối bài bản.


Sau năm 2022, ngoài những loại kháng sinh dùng chung với người, thuốc thú y có chứa các loại kháng sinh còn lại cũng chỉ được sử dụng đến hết năm 2025. Từ năm 2026, tất cả kháng sinh trên động vật chỉ được dùng với 2 mục đích: điều trị và điều trị dự phòng.

Mặc dù việc giảm sử dụng kháng sinh cần được triển khai song song ở tất cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, các nhà quản lý tin rằng những doanh nghiệp 3F nắm trong tay các chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín sẽ đóng vai trò tiên phong.

Một mặt, các doanh nghiệp này sở hữu trong tay nhiều trang trại gây giống, trang trại chăn nuôi, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và nhà máy chế biến thực phẩm, do vậy họ có thể dễ dàng thiết lập các hệ thống an toàn sinh học và theo dõi sử dụng kháng sinh trong từng công đoạn. Mặt khác, họ cũng có mạng lưới dày đặc các trang trại chăn nuôi gia công để thu mua sản phẩm trở lại, do vậy những công ty 3F có quyền áp đặt các yêu cầu về “quản lý kháng sinh” đối với tất cả nhà cung cấp thịt của mình.

Với lợi thế theo chuỗi và theo quy mô, các doanh nghiệp 3F đang ở vào vị trí tốt nhất để đặt ra các tiêu chuẩn mới bằng những thực hành tốt của mình. Bà Lê Minh Thu đến từ Tập đoàn Dabaco, đơn vị hiện đang sở hữu một số hệ thống sản xuất khép kín ở miền Bắc, cho biết công ty họ đang áp dụng an toàn sinh học, đồng thời cũng bắt đầu triển khai một số chương trình nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng kháng sinh cho các cán bộ thuộc hệ thống của mình.

Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực làm tốt khác, bà nhìn thấy những trở ngại từ phía thị trường khi người tiêu dùng trong nước vẫn chưa đánh giá cao nguy cơ liên quan đến kháng kháng sinh và sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học. Một khi tiêu chuẩn tiêu dùng còn thấp, chúng ta cũng thiếu đi một phần áp lực quan trọng để buộc những người chăn nuôi khác thay đổi hành vi.

https://khoahocphattrien.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 12
Hôm nay: 1696
Tổng lượt truy cập: 4.036.395
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!