80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển
Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023) được tổ chức hôm nay (27/2) với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lỗi của một văn kiện lịch sử - Đề cương về văn hóa Việt Nam, nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng và thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước; tổng kết những thành tựu và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển"
Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương Văn hóa về Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" được 4 cơ quan là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp với sự có mặt khoảng 250 đại biểu và trực tuyến với đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố.
Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; Đoàn Minh Huấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa con người Việt Nam – Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ban Tổ chức đã nhận được 1 báo cáo trung tâm và 175 báo cáo tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước.
Phát biểu dẫn đề Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: "nền văn hoá xã hội chủ nghĩa".
"Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.
Với sự khởi nguồn từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam về xây dựng một nền văn hóa mới và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, tại hội thảo này, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đặc biệt, cả phương diện lý luận và thực tiễn, cần tập trung luận giải về nội dung, cách thức để kế thừa và phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam trên tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kiên định về mục tiêu, nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về giải pháp, cách làm. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nhất là thực tiễn phát triển văn hóa đất nước, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phát triển văn hóa, con người mới trong lý luận về đường lối Đổi mới của Đảng ta; xây dựng, triển khai hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với các đặc trưng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của bối cảnh mới, nền tảng phát triển mới và nhận thức mới.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với phát triển. Phải nhìn thẳng vào thực tế là, vẫn còn nhiều lúc, nhiều nơi, văn hóa chưa được đặt thật đúng vị trí, chưa thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Thậm chí, từng có quan niệm lệch lạc cho rằng: Bảo tồn, phát triển văn hoá cần nguồn lực đầu tư lớn song mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Từ quan điểm biện chứng về văn hóa của bản Đề cương cùng với những chủ trương, chính sách mới của Đảng, chúng ta nhận thức rõ hơn vai trò, sự đóng góp của các thành tựu về phát triển văn hoá; về đầu tư cho văn hoá cũng là đầu tư cho phát triển; trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án phát triển bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và môi trường, với sự ưu tiên khi thực thi trọng trách gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, di sản văn hoá của đất nước.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người. Những tư tưởng mới của bản Đề cương là nguồn động viên, khích lệ chúng ta trong nỗ lực xây dựng, ban hành những quy định, chính sách, mô hình quản lý mới thúc đẩy các hoạt động văn hóa – nghệ thuật phát triển tích cực và lành mạnh, phù hợp với điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển đồng bộ mọi phương diện văn hoá quốc gia, như: Văn hoá chính trị, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân, văn hoá ứng xử trong xã hội và gia đình. Đặc biệt, có thêm quyết tâm đột phá nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong huy động, phân bổ các nguồn lực từ cả Nhà nước và xã hội, nhất là về các cơ chế phân cấp, phân quyền, hợp tác công – tư, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật… khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, kéo dài; xây dựng, tổ chức thực hiện thật sự hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển văn hoá, con người trong giai đoạn tới.
Thứ tư, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa có tâm, có tầm, có trách nhiệm trong việc việc khai thông, mở đường phát triển văn hóa nước nhà. Cùng với yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đội ngũ những người làm công tác văn hoá rất cần được tôn trọng, khuyến khích, động viên, đãi ngộ và tôn vinh, xây dựng cơ chế mở, linh hoạt về tuyển dụng, tiền lương, tạo điều kiện để đội ngũ này phát huy tài năng, sức sáng tạo, cống hiến vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người.
Thứ năm, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển. Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh phát triển mới của đất nước. Cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ từ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư không chỉ cho hạ tầng kỹ thuật như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, mà đặc biệt cần quan tâm đến hạ tầng văn hoá - xã hội, tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Hoàn thiện thể chế, phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong huy động và phân bổ hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa. Xử lý thật tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong phát triển văn hoá. Quan tâm toàn diện đến cả chủ thể quản lý, chủ thể sáng tạo, chủ thể thực hành, chủ thể truyền bá văn hóa cùng với phát huy vai trò của nhân dân với tư cách là trung tâm của sự sáng tạo và hưởng thụ văn hoá.
https://baochinhphu.vn/