Bào chế sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 từ cây thài lài trắng
PGS.TS Vũ Đức Lợi, Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN, và cộng sự đã bắt tay nghiên cứu, sàng lọc, lựa chọn các cây thuốc theo hướng điều trị đái tháo đường, nhằm phát triển nguồn nguyên liệu theo hướng bào chế sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Thài lài trắng hay còn gọi rau trai, rau trai hạt nhám (danh pháp khoa học: Commelina diffusa) là một loài thực vật có hoa trong họ Commelinaceae. Ảnh: VNU
Đái tháo đường tuýp 2 là một bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam: gần 6-8% dân số, tức là khoảng hơn 4 triệu người mắc bệnh này. Hiện nay, số lượng thuốc cung cấp trên thị trường Việt Nam chủ yếu vẫn phải nhập khẩu của nước ngoài trong khi nhu cầu sử dụng thuốc để chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng lớn. Vì vậy, các công ty sản xuất dược phẩm trong nước đang có nhu cầu lớn về nguồn nguyên liệu làm thuốc. “Số người mắc bệnh đái tháo đường trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang tăng nhanh, chi phí điều trị lớn, trong khi Việt Nam có nhiều cây thuốc tiềm năng trong nghiên cứu phát triển sản phẩm theo hướng trị bệnh này”, PGS.TS Vũ Đức Lợi (Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN) cho biết.
Theo kinh nghiệm dân gian, một số cây thuốc được nhân dân ta sử dụng từ lâu với mục đích trị bệnh Đái tháo đường tuýp 2 như mã đề, quế, lá dứa, sinh địa, sầu đâu, xoài, vối, lược vàng, nở ngày, khổ qua, qua lâu, mạch môn… Nhóm cây thuốc này có nhiều ở Việt Nam như tại các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Ninh Bình .... Các cây thuốc có khả năng thích nghi cao với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và dễ sinh trưởng phát triển, lại cho thu hoạch nhanh. Vì vậy, tiềm năng cho phát triển nguồn nguyên liệu và tạo sản phẩm từ các cây thuốc này rất lớn. Trên thế giới, một số nước cũng nghiên cứu sử dụng một số loài thảo dược trong chăm sóc sức khỏe nói chung và điều trị đái tháo đường tuýp 2 nói riêng.
Mặc dù có rất nhiều điểm thuận lợi để phát triển thuốc điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 theo hướng này nhưng điểm khó nhất của Việt Nam là hiện vẫn chưa có nghiên cứu toàn diện (hóa học, sinh học, dược học) về các cây thuốc tiềm năng, đặc biệt là nghiên cứu theo hướng tạo nguồn nguyên liệu (dược liệu, cao dược liệu...), để có thể tiến tới bào chế sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Xuất phát từ đó, Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ ĐHQGHN đã tài trợ để nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Y Dược tiến hành đề tài “Nghiên cứu phát triển sản phẩm theo hướng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 từ nguồn cây thuốc ở Việt Nam’’ nhằm sàng lọc được tác dụng hạ đường huyết trên invitro của 6-8 cây thuốc ở Việt Nam; chiết xuất, phân lập được một số hợp chất chính từ cây thuốc có tác dụng hạ đường huyết tốt nhất.
Qua tìm hiểu về các cây thuốc trong dân gian hay được sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường, cũng như tổng quan các tài liệu đã công bố về cây thuốc có tác dụng làm hạ đường huyết, nhóm nghiên cứu đã xác định 8 loài cây để nghiên cứu sàng lọc khả năng ức chế enzyme α-amylase, α-glucosidase và protein tyrosine phosphatase 1B đó là: Cây Xoài (Mangifera indica L.), Cam thảo đất (Scoparia dulcis L.), Chặc chìu (Tetracera scandens (L.) Merr.), húng quế (Ocimum basilicum.), cây dứa thơm (Pandanus amaryllifolius), qua lâu trứng (Trichosanthes ovigera Blume), dâu tằm (Morus alba L.), thài lài trắng (Commelina Diffusa Burm. F.).
Để sàng lọc mức độ hiệu quả, nhóm đã chiết các mẫu dược liệu khô (thân lá Thài lài trắng, lá xoài, thân lá cam thảo đất, lá dâu, thân cây u chạc chìu, lá dứa thơm, thân lá qua lâu trứng, lá húng quế) với dung môi ethanol 70% để thu các cao toàn phần. Các cao này sẽ được tiến hành đánh giá khả năng ức chế enzyme α-amylase, α-glucosidase và protein tyrosine phosphatase 1B. Cuối cùng nhóm đã lựa chọn cây thài lài trắng là loài khá phổ biến, dễ trồng cấy, thu hái quanh năm và có kết quả ức chế enzyme α-amylase, α-glucosidase và protein tyrosine phosphatase 1B tương đối tốt để tiếp tục nghiên cứu.
Từ phần thân và lá cây thài lài trắng, nhóm nghiên cứu đã chiết phân lập được các phân đoạn dịch chiết và 10 hợp chất quan trọng: N-trans-p-coumaroyl-3',4'-dihydroxyphenylethylamine, 1,2-dihydro-6,8-dimethoxy-7-hydroxy-l-(3,5-dimethoxy-4-hydroxyphenyl)-N1,N2-bis-[2-(4-hydroxyphenyl)ethyl]-2,3-naphthalene dicarboxamide, N-trans-feruloyltyramine, Methyl gallate, Lyratol F, Isoschaftoside, Quercitrin, Stigmasterol, Daucosterol, 4-hydroxybenzoic acid. Sau đó, họ xây dựng thành công quy trình chiết xuất tạo cao khô dược liệu thài lài trắng, qua đó bào chế được hai sản phẩm dưới dạng viên nang TLT và trà cốm hòa tan TLT, đánh giá độc tính cấp, tác dụng làm hạ đường huyết 2 sản phẩm này. Đồng thời, nghiên cứu đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho dược liệu, cao dược liệu, sản phẩm viên nang TLT, trà cốm hòa tan TLT và lập hồ sơ để đăng ký với Bộ Y tế 2 sản phẩm này.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình chiết xuất tạo cao khô dược liệu thài lài trắng, qua đó bào chế được hai sản phẩm dưới dạng viên nang TLT và trà cốm hòa tan TLT, đánh giá độc tính cấp, tác dụng làm hạ đường huyết 2 sản phẩm này. Ảnh: VNU
“Với nguyên liệu chiết xuất từ cây thài lài trắng, chúng tôi đã bào chế được sản phẩm dưới dạng viên nang cứng và trà gói hòa tan. Đây là dạng bào chế có nhiều ưu điểm là tiện lợi trong sử dụng, giá thành phù hợp, thời gian bảo quản dài và cũng dễ bảo quản”, PGS.TS Vũ Đức Lợi cho biết.
https://khoahocphattrien.vn/