Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 26-04-2023

Năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam cao so với các nước

Ngày 25/4, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Bộ đã triển khai thành công 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản; Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Sản phẩm quốc gia.

Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KH-CN; tăng cường tiềm lực KH-CN; đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hội nhập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước; đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KH-CN. 

Thời gian qua, KH-CN đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, với việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, lúa, cây ăn quả và phương pháp canh tác, nuôi trồng mới... Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng hiệu quả KH-CN đã giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống, tăng cường quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, KH-CN, đổi mới sáng tạo góp phần hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững, góp phần quan trọng tăng trưởng, thúc đẩy cơ cấu lại ngành. 

Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu tháo gỡ được vướng mắc về chính sách tăng cường hợp tác công tư, gắn KH-CN với sự phát triển của doanh nghiệp và việc phát huy được cơ sở vật chất, trang thiết bị và diện tích đất đai… sẽ là động lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Tạo cơ chế để khoa học phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, nhờ ứng dụng KH-CN, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Năng suất lúa cao nhất ASEAN

Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN, gấp 1,5 lần Thái Lan; cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil; năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ; cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới... 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết, thời gian tới, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, cần tháo gỡ rào cản để KH-CN phát triển tốt hơn, có chính sách đãi ngộ cho người làm khoa học, cơ chế sử dụng nhân lực sau đào tạo, cơ chế thu hút nhân lực; cần có sự phối hợp giữa các đơn vị để có thể chuyển giao công nghệ nhanh chóng, mang lại lợi ích cho nông dân; đầu tư theo chuỗi từ nghiên cứu đến lúc bán kết quả nghiên cứu ra thị trường; cần thương mại hóa sản phẩm KH-CN để phục vụ chuyển giao và quảng bá sản phẩm KH-CN tốt hơn…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, KH-CN không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ sự tích hợp đa giá trị trong một ngành, hướng tới mục tiêu giảm chi phí. Đó chính là hướng đi của KH-CN trong tương lai.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%; tỉ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030.

Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021 - 2025 và 35% giai đoạn 2026 - 2030.

Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài.

https://baochinhphu.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 17
Hôm nay: 50
Tổng lượt truy cập: 3.551.079
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!