Phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Chiến lược
Mục tiêu chung của Chiến lược là “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Chiến lược đã đề ra các mục tiêu cụ thể như sau:
(i) Mục tiêu đến năm 2025:
- Xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật và ban hành khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế; KH&CN; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, nghệ thuật; khoa học xã hội; thể dục, thể thao; quân sự, quốc phòng và an ninh quốc gia; thông tin và truyền thông... góp phần thực hiện các khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo lập môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, bảo đảm việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội.
- Đến hết tháng 6 năm 2024, đạt 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế.
- Năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới.
(ii) Mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050:
- Duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.
- Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 05 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực KH&CN đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.
- Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) từ năm 2031 trở đi luôn được cải thiện, phấn đấu tăng dần so với năm trước; các chỉ số về “thu hút nhân tài”, “giữ chân nhân tài” xếp hạng cao trong số các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
- Tạo đột phá trong thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, kết nối nhân tài. Thiết lập mạng lưới Nhân tài Việt Nam toàn cầu, mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam toàn cầu, trong đó có các nhà khoa học đầu ngành tầm cỡ quốc tế về những ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao và ngành kinh tế mũi nhọn; cán bộ lãnh đạo, quản lý tài năng, trong đó có nhiều cán bộ cấp chiến lược; doanh nhân tài năng, trong đó có nhiều doanh nhân tầm cỡ khu vực; chuyên gia đầu ngành, tài năng trẻ và triển vọng tài năng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và các lĩnh vực khác.
Nhiệm vụ và giải pháp
Chiến lược đã đưa ra 11 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đạt được các mục tiêu trên, bao gồm:
(1) Đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài: Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài; Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang và toàn xã hội về vị trí, vai trò, cống hiến và đóng góp to lớn của nhân tài; về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương và đất nước; Lấy kết quả thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong các nội dung đánh giá đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị.
(2) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bầu cử đối với nhân tài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, không phụ thuộc vào thâm niên, thời gian công tác, bằng cấp, vùng miền, độ tuổi; Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Nhà ở; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Quốc tịch; Luật Phòng, chống tham nhũng và một số luật khác có liên quan; Rà soát, xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và các chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong các ngành, lĩnh vực; Ban hành khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đối với các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế; khoa học xã hội; văn hóa, nghệ thuật; thể dục, thể thao; quân sự, quốc phòng và an ninh quốc gia; thông tin và truyền thông.
(3) Khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài: Việc tìm kiếm nhân tài nhằm phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước được tiến hành trong các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và tập trung vào bốn nhóm (Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo; Những người có học vị, học hàm thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn; Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ; Những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước).
(4) Nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài: Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài; Nâng cao năng lực bồi dưỡng nhân tài của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Phát triển mạnh một vài đại học điểm của Việt Nam thành trường hàng đầu khu vực. Tập hợp, phát triển đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao ở trong và ngoài nước; chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam. Có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham gia vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước; Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài có uy tín cao trên thế giới để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo nhu cầu và các chuẩn mực của khu vực, quốc tế; Tạo điều kiện thuận lợi về các điều kiện học tập, nghiên cứu, môi trường cọ sát, thử thách, rèn luyện để các tài năng trẻ là học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc có cơ hội phát huy năng lực, sở trường; Tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học xã hội và các lĩnh vực trọng điểm khác thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(5) Nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài: Nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp để thực hiện hiệu quả việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; Hoàn thiện cơ chế sử dụng, quản lý vị trí việc làm, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, thống nhất để làm cơ sở bố trí đúng người, đúng việc và trọng dụng nhân tài; Tăng cường hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế về nhân tài; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thu hút, trọng dụng và phát triển nhân tài. Có chính sách thu hút các giảng viên là giáo sư, chuyên gia đầu ngành trên thế giới tham gia giảng dạy; chủ trì nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Có chính sách thu hút các ngôi sao văn hóa, nghệ thuật; thể dục, thể thao và các tài năng lớn trong các lĩnh vực đến làm việc, sinh sống tại Việt Nam; Chủ động hợp tác và tham gia các Diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; Tổ chức các chương trình mời gọi, thu hút nhân tài Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc và hỗ trợ nhân tài hòa nhập cuộc sống ở Việt Nam; Thành lập mạng lưới Nhân tài Việt Nam toàn cầu, mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam toàn cầu; tăng cường giao lưu trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với trí thức trong nước, tạo động lực trở về nước làm việc, cống hiến cho quê hương, đất nước.
(7) Xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp; môi trường sống văn minh, hiện đại: Tổ chức học tập và thực hiện nghiêm quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở. Xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, công bằng, dân chủ, thân thiện, nhân văn; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt; phát huy sức mạnh tập thể cùng với năng lực sáng tạo của nhân tài; Tạo lập môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp với trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với nhân tài làm việc trong lĩnh vực KH&CN, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học xã hội;…
(8) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thu hút, trọng dụng nhân tài: Đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp để thông tin, tuyên truyền về thu hút, trọng dụng nhân tài. Tổ chức và duy trì chuyên mục thu hút, trọng dụng nhân tài trên các báo, đài, các trang điện tử và trên Cổng thông tin điện tử, tạp chí điện tử của các cơ quan, tổ chức và địa phương; chú ý nêu gương điển hình thành công về thu hút, trọng dụng nhân tài; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc để khuyến khích nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương…
(9) Khuyến khích tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chính sách nhân tài và xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm chính sách nhân tài: Ban hành quy định về cơ chế, chính sách và trách nhiệm bảo vệ nhân tài; Khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích trong tiến cử, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài; xử lý nghiêm hành vi cản trở, trù dập nhân tài.
(10) Thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho thu hút và trọng dụng nhân tài: Bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho hoạt động thu hút, trọng dụng nhân tài một cách thực chất thông qua những giải pháp thiết thực, hiệu quả; Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển nhân tài Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống xã hội, không vì mục đích lợi nhuận; có cơ chế hỗ trợ kinh phí để Quỹ phát triển nhân tài quốc gia hoạt động theo quy định của pháp luật.
(11) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tập hợp, vận động nhân tài ở trong nước và ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phản ánh các đề xuất, kiến nghị của nhân tài, nhất là nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài đối với Đảng và Nhà nước; đồng thời tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách thu hút, phát huy nguồn lực nhân tài phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Về trách nhiệm thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu hút, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài hoạt động khoa học và công nghệ (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam); Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan xây dựng đề án thiết lập và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam toàn cầu; Rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, thuế và các ưu đãi đối với nhân tài hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
https://vista.gov.vn/