Sự kiện “ZODIAC - Hiện trạng và định hướng tương lai”: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân nhằm ngăn chặn đại dịch trong tương lai
Trong khuôn khổ Khóa họp Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lần thứ 67, chiều ngày 25/9/2023 (giờ Viên), IAEA đã chủ trì tổ chức Sự kiện “ZODIAC - Hiện trạng và định hướng tương lai”. TS. Trần Bích Ngọc - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, đại diện Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Sự kiện.
Sự kiện nhằm nêu bật những tiến bộ đã đạt được trong 03 năm qua kể từ khi IAEA thành lập Sáng kiến Hành động tích hợp đối phó các bệnh truyền lây từ động vật sang người (ZODIAC) vào năm 2020 để hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc phát hiện sớm, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm ở động vật, trong đó có nhiều bệnh lây trực tiếp từ động vật sang người nhằm giúp ngăn chặn các đợt dịch bùng phát hoặc các đại dịch trong tương lai.
Phát biểu khai mạc Sự kiện, Bà Najat Mokhtar, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban Ứng dụng và Khoa học hạt nhân của IAEA cho biết: “Sáng kiến ZODIAC đã đạt được những bước tiến đáng kể kể từ khi ra mắt. Đến nay, với sự tham gia của gần 130 phòng thí nghiệm quốc gia, ZODIAC có thể xem là một trong những mạng lưới phòng thí nghiệm thú y lớn nhất trên toàn thế giới”. Theo Bà Najat Mokhtar, IAEA đã đào tạo hơn 1.000 chuyên gia thú y, cung cấp thiết bị và hướng dẫn cho các phòng thí nghiệm, đồng thời triển khai các hoạt động nghiên cứu thiết yếu. Những hoạt động cần thiết này nhằm hiện thực hóa mục tiêu của ZODIAC là cải thiện khả năng sẵn sàng của các quốc gia thành viên trong đối phó với bệnh truyền nhiễm ở động vật.
Bà Najat Mokhtar - Phó Tổng Giám đốc, kiêm Trưởng Ban Khoa học và Ứng dụng hạt nhân của IAEA phát biểu khai mạc Sự kiện Hiện trạng và định hướng tương lai”.
Tại Sự kiện, đại diện các quốc gia thành viên và các chuyên gia IAEA đã điểm lại những hoạt động đã được thực hiện thông qua Sáng kiến ZODIAC do IAEA đưa ra vào năm 2020. Các báo cáo trình bày với nội dung về những tiến bộ đạt được trong ba năm qua và cách ZODIAC hỗ trợ các quốc gia chuẩn bị tốt hơn để phát hiện, xác định và giải quyết càng sớm càng tốt các đợt bùng phát đang diễn ra và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người mới nổi hoặc tái nổi. Các bệnh động vật (Zoonotic) bao gồm các bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm hoặc vi rút gây ra có nguồn gốc từ động vật và có thể truyền sang người. Bên cạnh giới thiệu những kết quả đã đạt được theo các mục tiêu đề ra của sáng kiến, các đại biểu tham dự Sự kiện cũng đưa ra những định hướng tiếp theo sẽ triển khai để tăng cường khả năng chuẩn bị và ứng phó của các quốc gia trước sự bùng phát tiềm tàng của các bệnh lây truyền từ động vật sang người mới nổi hoặc tái nổi.
Trong những năm qua, với sự đóng góp phong phú từ các quốc gia, Sáng kiến ZODIAC đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ và nguồn tài trợ đáng kể. Tính đến tháng 6/2023, Sáng kiến ZODIAC đã nhận được hoặc được cam kết tài trợ ước tính khoảng 13,7 triệu euro từ các nước Bỉ, Bungari, Estonia, Pháp, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kuwait, Maroc, Pakistan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Ả Rập Xê-ut, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. IAEA cũng hợp tác với các đối tác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng như hợp tác thực hiện các sáng kiến quan trọng như Ngăn chặn sự xuất hiện của dịch bệnh từ động vật (PREZODE) và với các chuyên gia quốc tế. Tất cả các đối tác này đều đã tham gia vào các hoạt động nghiên cứu hoặc đào tạo của ZODIAC để cùng giải quyết những thách thức về bệnh lây truyền từ động vật sang người trên toàn cầu.
Mạng lưới ZODIAC bao gồm cả Phòng thí nghiệm quốc gia ZODIAC được chỉ định chính thức bởi các quốc gia tương ứng và 150 Điều phối viên quốc gia ZODIAC từ tất cả các khu vực trên thế giới. Việt Nam là một trong các quốc gia thành viên tích cực tham gia và đã đề cử Phòng thí nghiệm Quốc gia thuộc Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là đơn vị tham gia triển khai Sáng kiến ZODIAC.
Theo thông tin từ Sự kiện, trong thời gian sắp tới, IAEA sẽ tiếp tục xây dựng năng lực cho các phòng thí nghiệm quốc gia ZODIAC hiện có và tăng cường các nghiên cứu hợp phần của ZODIAC để hỗ trợ nghiên cứu hợp tác giữa các quốc gia thành viên và IAEA với mục đích phát triển và cải tiến các kỹ thuật, phương pháp mới. Một trọng tâm khác của Sáng kiến ZODIAC là tập trung xây dựng các mạng lưới hợp tác, ứng dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo và hình ảnh học để hỗ trợ cộng đồng khoa học và y tế, đồng thời tư vấn cho các quốc gia quản lý dịch bệnh tốt hơn thông qua kho dữ liệu lớn (big data) hình ảnh y tế trên toàn thế giới từ các nguồn chính thức./.
https://www.most.gov.vn/