Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 04-10-2023

Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Bộ KH&CN đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ (Luật KH&CN). Về sự cần thiết phải sửa đổi Luật, Bộ KH&CN cho biết, Luật KH&CN được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều. Luật KH&CN được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

Để triển khai Luật KH&CN, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành 10 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định quy phạm pháp luật và ban hành theo thẩm quyền 51 thông tư. Các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai các quy định của Luật KH&CN và văn bản hướng dẫn thi hành trong thực tiễn.

Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật KH&CN đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Hành lang pháp lý về KH&CN ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng; các quy định về tổ chức KH&CN, trọng dụng, sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN, quản lý nhiệm vụ KH&CN được hoàn thiện; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hội nhập quốc tế.

Trong thời gian gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) cần được thể chế hóa; đồng thời qua thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy, Luật KH&CN cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Ảnh minh hoạ

Một là, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nhiều nội dung quan trọng mang tính định hướng phát triển đất nước dựa trên KH,CN&ĐMST. Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết đã chỉ rõ: “Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2023 xác định KH,CN&ĐMST cùng với phát triển toàn diện nguồn nhân lực là một trong các đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Về quan điểm phát triển: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số". Về đột phá chiến lược: “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam".

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội: “Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam; phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới".

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định: “Có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh”; “Rà soát, sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hình thành quỹ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN đủ lớn để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn lực phù hợp nhằm khuyến khích nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ".

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; Hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.”.

Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã xác định một trong sáu nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện là: “Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về khoa học và công nghệ.”

Về nội dung KH,CN&ĐMST trong chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hiến pháp 2013 tại Điều 62 đã quy định, việc phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ".

Nghị quyết số 100/2013/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy KH,CN&ĐMST: “Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ các chính sách, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Rà soát, sửa đổi, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu với pháp luật KH&CN (Luật KH&CN, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...) theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch".

Hai là, giải quyết các bất cập trong thực tiễn thi hành Luật KH&CN. Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Luật KH&CN cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc do một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp quy định của các luật có liên quan, dẫn đến chưa có tác dụng thúc đẩy phát triển KH&CN với vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Một số tồn tại, bất cập của Luật KH&CN có thể kể đến như: quy định về tổ chức KH&CN công lập chưa thể hiện khả năng tự chủ của tổ chức, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng; quy định về các chức danh về KH&CN chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn để có chính sách phù hợp với đối tượng hoạt động KH&CN gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; quy định về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN chưa đầy đủ; quy định về tổ chức, triển khai nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp; một số quy định liên quan đến Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia, quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp khó triển khai do chưa phù hợp thực tiễn và chưa thống nhất với quy định của pháp luật liên quan; còn thiếu quy định về đạo đức trong nghiên cứu, rủi ro trong nghiên cứu... Đồng thời, Luật KH&CN cũng chưa có quy định liên quan đến quản lý hoạt động ĐMST thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, thúc đẩy liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Vì vậy, để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KH,CN&ĐMST trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến các lĩnh vực, đặc biệt là KH,CN&ĐMST thì việc sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN trên cơ sở tiếp tục phát huy các điểm mới, tiến bộ và khắc phục vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST là hết sức cần thiết.

Mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật về KH,CN&ĐMST; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong 10 năm thi hành cũng như bất cập nảy sinh giữa quy định của Luật KH&CN với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành gần đây.

Từ đó, hoàn thiện thể chế về KH,CN&ĐMST theo hướng thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các quy định về KH,CN&ĐMST bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quan điểm xây dựng dự án Luật là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới.

Bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong hoạt động KH,CN&ĐMST, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH&CN.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, tạo đột phá để phát triển KH,CN&ĐMST thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt đưa nước ta trở thành quốc gia có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Bảo đảm kế thừa những nội dung phù hợp trong Luật KH&CN 2013; tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

https://vietq.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 22
Hôm nay: 995
Tổng lượt truy cập: 3.524.584
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!