Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 01-11-2023

Diễn đàn cấp cao "Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam"

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023), ngày 28/10/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn cấp cao Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen xanh tại Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn cấp cao Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen Xanh tại Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhằm thực hiện sứ mệnh nâng cao năng lực và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn có ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK; bà Laurel E. Miller, Chủ tịch Quỹ châu Á; ông Francois Michel, Chủ tịch Tập đoàn John Cockerill; ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng diện Lãnh đạo các bộ, ngành; Viện nghiên cứu và trường đại học; các Quỹ đầu tư; các Tổ chức năng lượng sạch và khí hậu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Diễn đàn là sự kiện hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh mạnh mẽ để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Diễn đàn là cơ hội để trao đổi, thảo luận về định hướng phát triển ngành năng lượng hydrogen xanh trong thời gian tới. Thông qua đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và chuyên gia…sẽ có thêm được góc nhìn tổng thể về vai trò của hydrogen xanh, giúp cho quá trình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả, từ đó hỗ trợ phát triển ứng dụng, sản xuất hydrogen xanh cho mục đích giảm phát thải khí nhà kính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ đô la Mỹ và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Tại Mỹ, kinh tế xanh tạo việc làm cho khoảng 9,5 triệu lao động, đóng góp vào GDP tương đương 1.300 tỷ đô la Mỹ/năm; với các nước OECD con số này là 17,5 triệu lao động, tương đương 2.900 tỷ đô la/năm. Kinh tế xanh còn tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh/sạch, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh…

Với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội thì không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Đặc biệt, với những nỗ lực trong hồi phục kinh tế sau đại dịch, Việt Nam hiện đang được đánh giá cao với quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 trong ASEAN, quy mô vốn FDI trên 445 tỷ USD và độ mở nền kinh tế trên 200%, vị thế địa - chính trị ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy đổi mới tư duy, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; cùng với đó là Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó xác định rõ tăng trưởng xanh phải lấy con người làm trung tâm, phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững. Đồng thời, tăng trưởng xanh cần được cụ thể hóa bằng những giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để đạt được mục tiêu tại Chiến lược, Việt Nam cần có những bước đi đột phá và quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD đóng góp vào tổng GDP quốc gia năm 2020 lên đến 300 tỷ USD vào năm 2050. Trong đó hệ sinh thái hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo có tiềm năng đóng góp 40-45 tỷ USD vào GDP hằng năm, tạo ra khoảng 40-50 nghìn việc làm cho thị trường nội địa. Hydrogen xanh còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu đến các nước phát triển, là nhân tố chính thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Tại các Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 và Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII), phát triển sản xuất và ứng dụng hydrogen trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông, sản xuất điện và các nguồn năng lượng xanh được thúc đẩy mạnh mẽ ở Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở cả cấp quốc gia và cấp ngành vào năm 2050.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tiến trình “hydrogen hóa” diễn ra một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần sự chuẩn bị và trang bị kỹ càng về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao để tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh; đồng thời, không ngừng học hỏi và cập nhật kinh nghiệm từ các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp đi trước để tối ưu hóa trong nghiên cứu và thử nghiệm, đạt hiệu quả cao trong quá trình đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng, Diễn đàn sẽ đặt nền móng vững chắc cho các hoạt động nghiên cứu, đầu tư hợp tác sản xuất, kinh doanh trong ngành năng lượng sạch mà Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị; từ đó đóng góp vào việc tăng cường hợp tác giữa các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với các tổ chức về năng lượng sạch và khí hậu, các viện nghiên cứu và trường đại học; các quỹ đầu tư, quỹ tài chính - khí hậu để hỗ trợ  doanh nghiệp thực hiện việc chuyển dịch năng lượng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bên cạnh bức tranh toàn cảnh về chuyển dịch năng lượng trên thế giới, tại Diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều góc nhìn về vai trò của hydrogen trong quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; tiềm năng công nghệ này mang lại; các xu hướng công nghệ hydrogen, các dòng vốn đầu tư về hydrogen, cũng như các kinh nghiệm quốc tế về cơ chế chính sách phát triển hydrogen xanh, từ đó đề xuất các chính sách và cơ chế hỗ trợ thúc đẩy quá trình “hydrogen hóa” nhanh chóng và mạnh mẽ hơn ở Việt Nam.

Lễ công bố sáng kiến thành lập Trung tâm Công nghệ môi trường và Năng lượng Hydrogen

Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra Lễ công bố sáng kiến thành lập Trung tâm Công nghệ môi trường và Năng lượng Hydrogen (Trung tâm). Trung tâm có mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ môi trường và hydrogen; phát triển hệ sinh thái tập trung hướng tới mục tiêu Netzero vào năm 2050. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đổi mới sáng tạo, tăng cường phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 98
Hôm nay: 329
Tổng lượt truy cập: 3.277.410
© CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382.