Nghiên cứu chỉ dấu sinh học để tầm soát ung thư gan
Công trình do PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, làm chủ nhiệm đề tài, hỗ trợ chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan trên lâm sàng dựa vào các chỉ dấu sinh học đặc trưng và cả chỉ dấu sinh học mới.
Xét nghiệm chuyên môn tại Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: BV
Cùng tham gia công trình này còn có các cộng sự gồm: TS.BS Trần Công Duy Long, (Phó trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy); PGS.TS.BS Nguyễn Thị Băng Sương (Trưởng khoa Xét nghiệm); ThS Nguyễn Hữu Huy, ThS Lê Thị Xuân Thảo, cử nhân Đỗ Nguyễn Minh Thiện, cử nhân Nguyễn Trung Ngân (Khoa Xét nghiệm).
Đây là một trong ba công trình được vinh danh trong lĩnh vực y - dược của Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2023.
Ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh lý gan mật ác tính thường gặp nhất của ung thư gan và có tỷ lệ tử vong cao. Đây là loại ung thư đứng đầu tại Việt Nam. Ung thư gan tiến triển thầm lặng nên đa số người bệnh được phát hiện muộn, giai đoạn sớm thường không có triệu chứng cụ thể. Do vậy, nhu cầu tìm ra các chỉ dấu sinh học giúp phát hiện ung thư sớm, trước khi xuất hiện khối u để chẩn đoán sớm là vô cùng cấp thiết, có tính ứng dụng cao tại các bệnh viện, giúp phát hiện sớm ung thư gan và điều trị tốt cho người bệnh.
Tại Việt Nam, nghiên cứu các chỉ dấu sinh học để tầm soát ung thư gan hiện chưa nhiều. Chính vì vậy, từ năm 2017, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc và nhóm cộng sự đã thực hiện công trình nghiên cứu này để xét nghiệm các chỉ dấu sinh học đặc trưng nhằm hỗ trợ chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan trên lâm sàng.
Kết quả cho thấy, xét nghiệm chỉ điểm AFP, AFP-L3 và DCP (còn gọi là PIVKA-II) có độ nhạy, độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán ung thư gan, nhất là khi kết hợp nhiều chỉ điểm cùng một lúc. Vì vậy, những xét nghiệm này thường được đưa vào các quy trình khám sức khỏe, kết hợp với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác để nâng cao hiệu quả chẩn đoán sớm và theo dõi định kỳ trên những người bệnh có yếu tố nguy cơ cao.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, hằng năm có khoảng 1.500 người bệnh được thực hiện xét nghiệm các xét nghiệm tầm soát bệnh ung thư tế bào gan kiểu này.
Công trình “Giá trị các chỉ dấu sinh học hTERT mRNA, AFP, AFP-L3, DCP trong phát hiện bệnh ung thư tế bào gan” nhận giải Nhân tài Đất Việt. Ảnh: BV
Bên cạnh các chỉ dấu sinh hóa quen thuộc kể trên thì nhóm các chỉ dấu ung thư mới - bao gồm các DNA và mRNA tách ra từ khối u hiện diện trong huyết thanh - ngày càng đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, sử dụng phương pháp real-time RT-PCR để định lượng hTERT mRNA trong máu được đánh giá là một phương pháp nhạy để phát hiện ung thư gan ở bệnh nhân có lượng AFP thấp.
Các xét nghiệm chỉ dấu hTERT mRNA có thể chuyển giao cho các công ty sản xuất sinh phẩm sinh học phân tử để tạo các bộ kit xét nghiệm thương mại có giá thành rẻ, góp phần giảm nhập khẩu các sinh phẩm đắt tiền mà vẫn đảm bảo chất lượng tầm soát ung thư tế bào gan, giúp tiết kiệm ngân sách và chi tiêu y tế của người dân.
Các chỉ số quan trọng trong xét nghiệm tầm soát ung thư gan
Chỉ số AFP: Đây là một loại protein (Alpha-fetoprotein) được tế bào gan thai thi tiết ra, sau khi sinh và trưởng thành nồng độ chất này trong máu giữ mức ổn định. Tuy nhiên ở khoảng 70% bệnh nhân ung thư gan, chỉ số AFP trong máu tăng cao. Vì thế xét nghiệm chỉ số AFP cũng được thực hiện để sàng lọc ung thư gan, tuy nhiên cần kết hợp các thông tin chẩn đoán khác vì có những bệnh nhân mắc bệnh nhưng không tăng AFP trong máu hoặc AFP tăng cao do bệnh lý về gan khác.
Chỉ số AFP-L3: Đây là một chất đồng đẳng của AFP (Alpha-Fetoprotein lectin 3%) được sinh ra bởi các tế bào gan ác tính. Nó có mối liên hệ với bệnh lý ung thư gan. Nếu tỉ lệ AFP-L3 so với tổng nồng độ AFP ở mức bất thường thì nguy cơ mắc bệnh ung thư gan sẽ khá cao. Vì thế xét nghiệm AFP-L3 trong máu là một trong các xét nghiệm tầm soát ung thư gan quan trọng.
Chỉ số DCP:Đo lường DCP (Des-gamma-carboxy prothrombin), một dạng yếu tố đông máu (prothrombin) bất thường được sản xuất bởi các khối u gan do thiếu Vitamin K. Nồng độ chất này thường tăng lên khi mắc ung thư gan. Ngoài ra, xét nghiệm này còn được chỉ định nhằm đánh giá kích thước khối u, kiểm tra ung thư xâm lấn. Nếu sau điều trị, nồng độ DCP giảm nhanh cho thấy phương pháp điều trị đạt hiệu quả tốt, nếu nó tăng trở lại thì khả năng bệnh tái phát hoặc điều trị thất bại.
Khi thực hiện 3 xét nghiệm tầm soát ung thư gan phổ biến nói trên, nếu kết quả bất thường, bác sĩ thường chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng khác để chẩn đoán bệnh chính xác
Chỉ số hTERT mRNA:Trong nghiên cứu và xét nghiệm ung thư gan, nồng độ hTERT mRNA cao thường được liên kết với sự tồn tại của Telomerase - một enzyme quan trọng giúp ngăn chặn sự rút ngắn của telomere (các đoạn DNA tại đầu nhiễm sắc thể) để giữ cho tế bào không bị lão hóa, hay nói cách khác là giúp tế bào có thể phân chia vô hạn. Bởi vì Telomerase không có trong hầu hết các tế bào soma của con người nhưng được biểu hiện phổ biến trong hơn 90% tế bào ung thư nên nó được coi là một chỉ dấu của ung thư. Người ta có thể dùng hTERT để phát hiện ung thư gan ở bệnh nhân có lượng AFP thấp.
https://khoahocphattrien.vn/