Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 15-03-2024

Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc giảm thiệt hại từ phòng vệ thương mại

Doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm để tránh những rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 6 năm gần đây (từ 2017-2023) số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.

Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại mà Việt Nam đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Ước tính, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam bị kiện từ năm 2017 đến nay chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà Việt Nam đã phải đối diện từ trước đến nay.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đánh giá, giai đoạn cuối năm 90, đầu những năm 2000, những mặt hàng bị kiện chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu lớn và có thế mạnh trong xuất khẩu hoặc là mặt hàng xuất khẩu trọng điểm như thủy sản, giày dép. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng mặt hàng và lĩnh vực của các ngành hàng bị kiện phòng vệ thương mại đã mở rộng hơn nhiều, hiện có tới gần 40 mặt hàng đã bị kiện phòng vệ thương mại, trong đó có những mặt hàng kim ngạch không quá lớn.

 Ảnh minh hoạ.

Thậm chí, trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm mới bị kiện phòng vệ thương mại nhưng đến nay thì các thị trường khác, kể cả những thị trường mới có số vụ việc phòng vệ thương mại cũng chiếm tỷ lệ rất lớn. Cụ thể, trong tổng số 235 vụ việc tính đến tháng 8/2023 thì Hoa Kỳ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ chiếm 14%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia.

Mặc dù các ngành hàng như sắt, thép hay nhôm không phải nhóm mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam nhưng theo VCCI, đây lại là nhóm mặt hàng tập trung nhiều nhất các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới, vì thế Việt Nam cũng chịu liên đới về phòng vệ thương mại.

Mặt khác, một số mặt hàng của Việt Nam đang gia tăng năng lực cạnh tranh và gây sức ép lên các ngành sản xuất nội địa ở thị trường xuất khẩu (có thể từ việc tận dụng những ưu đãi về mặt thuế quan thông qua các hiệp định thương mại tự do), hoặc do Việt Nam đang cải thiện năng lực thì những mặt hàng đó cũng đứng trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại. Do đó, việc cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện, giảm thiểu được thiệt hại.

Bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại là nhằm đến các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, hoặc là do hàng nhập khẩu gia tăng với khối lượng đột biến không thể lường trước được. Trên cơ sở đó nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, để gia tăng khả năng sản xuất và xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần xem xét đầu tư nghiên cứu gia tăng hàm lượng giá trị của sản phẩm, giảm phụ thuộc cạnh tranh về giá, đồng thời chuyển sang cạnh tranh về chất lượng công nghệ, cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm.

https://vietq.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 1652
Tổng lượt truy cập: 3.972.166
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!