Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin trong nước

Ngày đăng: 30-05-2024

Ứng dụng khoa học công nghệ mạng lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong nhiều ngành công thương, mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp chú trọng đổi mới khoa học công nghệ

Theo ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), đóng góp của hoạt động khoa học công nghệ được thể hiện trên nhiều phương diện, từ việc cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện định hướng, chính sách phát triển, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm.

Thời gian qua, công tác khoa học công nghệ (KHCN) trong ngành Công Thương ghi nhận những kết quả tích cực. Trong năm 2022-2023, đã có 130 đơn vị trong và ngoài Bộ (riêng khối các Viện nghiên cứu, Trường đại học chiếm 40%) tham gia triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ thuộc các Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp Bộ do Bộ Công Thương quản lý.

Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) được xác định là đột phát chiến lược trong thực hiện các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới. Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương, mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất trong lĩnh vực dầu khí của thế giới đã được áp dụng, đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho ngành.

"Không những ứng dụng và làm chủ được công nghệ hiện đại trên thế giới, cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công những công trình mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới", ông Trần Minh chia sẻ.

Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than toàn ngành bình quân 9,4%/năm; đặc biệt, tỷ lệ khai thác bằng cơ giới tăng vượt bậc, từ 3,3% năm 2010 lên 13,1% năm 2018.

Các doanh nghiệp năng lượng đã đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc triển khai nhiều dự án đầu tư, ứng dụng đổi mới công nghệ hiện đại, giúp việc vận hành hệ thống điện của Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta; được xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

"Ngành Công Thương luôn xác định phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, điều kiện tiên quyết, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cả trong ngắn hạn và dài hạn", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động khoa học công nghệ gắn với doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế và yêu cầu mới đặt ra cho công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành như các vấn đề về cơ chế, chính sách cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ công lập còn nhiều bất cập.

Phát triển nguồn nhân lực, thu hút, giữ chân người tài và cơ chế đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội và sự tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển khoa học công nghệ chưa xứng tầm…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đây là những vấn đề cần sớm có giải pháp khai thông nhằm tạo điều kiện cho các viện, trường và khuyến khích đội ngũ làm công tác khoa học công nghệ tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển của Ngành, đất nước trong giai đoạn tới.

Theo ông Trần Minh, chính sách phát triển khoa học công nghệ mặc dù đã có những tác động tích cực tới hoạt động khoa học công nghệ trong giai đoạn vừa qua, nhưng thực tiễn triển khai đã phát sinh nhiều điểm chưa phù hợp, cần lựa chọn tiếp cận mới một cách phù hợp, xây dựng các chính sách có tính khả thi, đột phá, giải quyết những khâu theo chốt có ý nghĩa quyết định.

Hiện nay, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 đang được xem xét sửa đổi. Ông Trần Minh cho rằng có một số vấn đề quan trọng cần được đưa vào xem xét và sớm có điều chỉnh phù hợp.

Cụ thể, Luật Khoa học và công nghệ cần chuyển mạnh từ tập trung vào quản lý sang tạo ra hành lang pháp lý để phát triển, khuyến khích, huy động sự tham gia, đóng góp của tất cả các cá nhân, tổ chức, thành phần trong xã hội, đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển dựa trên KHCN&ĐMST, hạn chế các quy định chỉ phục vụ mục tiêu quản lý, gây cản trở cho việc triển khai các hoạt động KHCN&ĐMST.

Ông Lý Quốc Hùng cho biết, cần tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục. Thực thi có hiệu quả cơ chế ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ đạt thành tích xuất sắc...

Ông Minh cho rằng, chính sách khoa học công nghệ trong thời gian tới cần ưu tiên tập trung vào đối tượng là doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh triển khai các hoạt động KHCN&ĐMST gắn với doanh nghiệp.

Cụ thể, cần đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho KHCN&ĐMST của doanh nghiệp, hình thành nhóm chính sách cho đối tượng là doanh nghiệp; ưu tiên nguồn đầu tư của nhà nước để triển khai các chương trình khoa học công nghệ nghiên cứu ứng dụng, các chương trình hỗ trợ về đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; ưu tiên phát triển hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập ứng dụng cho các ngành, lĩnh vực...

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 23
Hôm nay: 1776
Tổng lượt truy cập: 4.055.595
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!