Lấy ý kiến tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm xoài sấy dẻo
Bộ NN&PTNT đang tiến hành lấy ý kiến góp ý các đối tượng liên quan về tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho sản phẩm xoài sấy dẻo.
Tình hình đối tượng tiêu chuẩn trong và ngoài nước
Xoài là loại quả dinh dưỡng được trồng ở các vùng khí hậu nhiệt đới. Việt Nam là nước trồng xoài từ lâu đời, là quốc gia xuất khẩu xoài lớn thứ 13 thế giới. Giá trị xuất khẩu xoài Việt Nam tăng mạnh qua các năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 193,2 triệu USD năm 2018 và chủ yếu là xoài quả tươi, một số ít là xoài chế biến (sấy, ngâm, đông lạnh...). Thị trường xuất khẩu xoài lớn là Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xoài lớn nhất với kim ngạch chiếm 84,6% tỷ trọng xuất khẩu. Bên cạnh đó, xoài cũng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ, Úc, EU. Quả xoài Việt Nam có khả năng cạnh tranh vào các nước này do có chất lượng ngon.
Trong những năm gần đây, sản phẩm xoài sấy, xoài đông lạnh, nước ép xoài của Việt Nam đã được một số thị trường thế giới chấp nhận như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nga… và là sản phẩm nâng cao giá trị quả xoài Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu xoài sấy của Việt Nam sang Nga đạt 9,1 triệu USD; xuất khẩu xoài sấy và nước ép xoài sang Trung Quốc đạt 47 triệu USD; xuất khẩu xoài chế biến (sấy, đông lạnh, nước ép) sang Hoa Kỳ đạt 497.000 USD.
Một số thị trường nhập khẩu xoài của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Úc... yêu cầu các chỉ tiêu chất lượng và an toàn của xoài quả tươi. Cụ thể, yêu cầu về vườn trồng: vườn trồng phải có mã số để truy xuất nguồn gốc và được kiểm soát bởi cơ quan có thẩm quyền. Yêu cầu về kiểm dịch thực vật: tuân thủ theo Hiệp định SPS và Công ước quốc tế Bảo vệ thực vật. Xoài tươi xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền cấp và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật; Yêu cầu về an toàn thực phẩm: sản phẩm phải đáp ứng chỉ tiêu về dư lượng các chất ô nhiễm (thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng) tuân thủ quy định về MRLs của mỗi quốc gia và tiêu chuẩn CODEX.
Hiện nay, tại Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới đã xây dựng tiêu chuẩn cho xoài quả tươi, xoài khô như sau: Tiêu chuẩn Việt Nam về xoài tươi: TCVN 9766:2013 Xoài quả tươi, tương đương với CODEX STAN 184:1993, sửa đổi lần 1 năm 2005; Tiêu chuẩn xoài khô của UNECE: UNECE standard DDP-25 Xoài khô - Dried mangoes (2013 edition); Tiêu chuẩn xoài khô của Philippines: PNS/BFAD 15:2007 Xoài khô – Dried mango products – specification; Tiêu chuẩn xoài khô của Đông Phi: DEAS 946:2018 – Dried Mango – Specification. Đối với xoài sấy dẻo, các cơ sở sản xuất tại Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn cơ sở và công bố chất lượng sản phẩm. Việt Nam chưa có tiêu chuẩn xoài khô, xoài sấy dẻo.
Ảnh minh hoạ.
Lý do và mục đích xây dựng tiêu chuẩn
Theo Bộ NN&PTNT, tiềm năng tiêu thụ xoài sấy những năm gần đây được đánh giá là rất lớn, tuy nhiên, với những doanh nghiệp sản xuất xoài sấy còn gặp khó khăn trong việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm do chưa có công cụ để áp dụng, cụ thể là tiêu chuẩn quốc gia áp dụng cho sản phẩm này.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng quy định thị trường quốc tế là yêu cầu sống còn của doanh nghiệp trong xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến. Bên cạnh đó, thực hiện “Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030” (phê duyệt tại Quyết định số 417/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/3/2021) về việc xây dựng tiêu chuẩn cho các loại quả nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Hơn nữa, việc xây dựng các tiêu chuẩn, chất lượng sẽ giúp nhà quản lý có công cụ kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm.
Do vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn xoài sấy dẻo là cần thiết để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ quả xoài và là chuẩn mực kỹ thuật để khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về xoài sấy dẻo sẽ góp phần tạo khung tiêu chuẩn chất lượng chung cho sản phẩm, làm cơ sở để doanh nghiệp áp dụng, thực hiện quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm trong sản xuất, chế biến, đáp ứng các quy định của thị trường quốc tế, tạo thuận lợi cho thương mại xuất khẩu và lưu thông sản phẩm;
Làm công cụ khẳng định giá trị đối với sản phẩm xoài sấy dẻo trên thị trường quốc tế; góp phần đa dạng hóa các sản phẩm xoài thay vì tập trung vào xuất khẩu xoài quả tươi, cấp đông; Khuyến khích sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Bảo vệ lợi ích cho người sản xuất, sức khỏe cho người tiêu dùng; Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia theo định hướng phát triển; Góp phần phát triển sản xuất, chế biến, thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.