Nọc độc của sâu bướm - liệu pháp điều trị ung thư trong tương lai
Từ penicillin đến rapamycin, con đường khám phá ra những loại thuốc đặc biệt thường là tình cờ. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đang hy vọng một phát hiện bất ngờ khác liên quan đến vi khuẩn, có thể được khai thác trong y học và thậm chí được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Đại học Queensland, Ôxtrâylia đã phát hiện ra rằng nọc độc trong lông của sâu bướm asp (Megalopyge opercularis) có thể đục lỗ trên tế bào giống như cách độc tố vi khuẩn E. coli và Salmonella gây bệnh có thể làm.
Thật thú vị, sâu bướm asp đã duy trì đặc điểm đục lỗ ở cấp độ phân tử như vậy trong hơn 400 triệu năm, sau khi được chuyển gen từ vi khuẩn. Theo thuật ngữ sinh học tiến hóa, đây là cơ chế sinh tồn mạnh mẽ của loài. Giờ đây, con người có thể khai thác đặc trưng của độc tố sâu bướm để đưa ra phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư.
Andrew Walker, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Các chất độc đục lỗ trong tế bào có tiềm năng vận chuyển thuốc vì chúng có khả năng xâm nhập vào tế bào. Cách thiết kế phân tử nhằm vào các loại thuốc có lợi cho các tế bào khỏe mạnh hoặc để tiêu diệt các tế bào ung thư một cách có chọn lọc”.
Nhóm nghiên cứu tin rằng cách nọc độc của sâu bướm hoạt động, giống như độc tố vi khuẩn gây bệnh, liên kết với bề mặt tế bào và tạo thành các cấu trúc giống như bánh rán có lỗ, có tiềm năng to lớn sử dụng trong y tế.
Walker cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nọc độc của sâu bướm asp hoàn toàn khác với bất kỳ thứ gì chúng tôi từng thấy trước đây ở côn trùng. Nọc độc là nguồn dồi dào cung cấp các phân tử mới có thể được phát triển thành các loại thuốc trong tương lai, thuốc trừ sâu hoặc được sử dụng làm công cụ khoa học”.
Nghiên cứu này đã được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS).
https://vista.gov.vn/