Xác định được nguyên nhân vì sao một số quả thận bị tổn thương không lành lại
Các nhà nghiên cứu điều tra của Cedars-Sinai đã phát hiện ra lý do tại sao một số quả thận bị tổn thương sẽ lành lại trong khi đó những quả thận khác lại phát triển sẹo có nguy cơ dẫn đến suy thận. Phát hiện của họ, được công bố trên tạp chí Science, có thể dẫn đến sự phát triển các phương pháp xét nghiệm phát hiện sẹo thận không xâm lấn và các liệu pháp mới để đảo ngược tình trạng này.
Sanjeev Kumar, giáo sư tiến sĩ khoa học về thận học, Viện Y học tái tạo thuộc Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chìa khóa cho khám phá này chính là việc so sánh trực tiếp các tế bào thận bị tổn thương đã được tái tạo thành công với những tế bào không tái tạo thành công”.
Các tế bào bị tổn thương sẽ kích hoạt protein SOX9 để tự tái tạo. Khi lành lại, các tế bào sẽ làm “im lặng” hoạt động của protein này. Các tế bào không có khả năng tái tạo sẽ vẫn để SOX9 hoạt động, dẫn đến sẹo hay còn gọi là xơ hóa. Khi chúng ta ngừng hoạt động của SOX9 kịp thời, vết sẹo sẽ biến mất một cách tự nhiên.
Kumar, thành viên của Trung tâm Khoa học Y sinh tại Cedars-Sinai cho biết, thận lọc chất thải từ máu, có thể bị tổn thương do bệnh tiểu đường và huyết áp cao, các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như Covid-19 và sự lạm dụng kháng sinh cũng như thuốc giảm đau chống viêm không steroid.
Protein SOX9 đóng vai trò chính trong sự phát triển của cơ quan này nhưng không hoạt động ở thận trưởng thành khỏe mạnh. Trong nghiên cứu trước đây tại một tổ chức khác, Kumar và nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra rằng khi thận bị tổn thương, các tế bào sống sót sẽ kích hoạt lại SOX9 như một phần của quá trình chữa lành.
Trong nghiên cứu này, Kumar và các nhà điều tra cũng đã nghiên cứu tổn thương thận ở chuột thí nghiệm. Họ dán nhãn các tế bào riêng lẻ tại thời điểm bị tổn thương, sau đó theo dõi quá trình phát triển của tế bào con theo thời gian.
“Vào ngày thứ 10, tế bào con của một số tế bào đã được chữa lành hoàn toàn trong khi đó những tế bào khác thì không. Những tế bào được chữa lành đã tắt biểu hiện SOX9, trong khi dòng tế bào không được chữa lành, trong nỗ lực liên tục tái tạo hoàn toàn, đã duy trì hoạt động SOX9. Nó giống như một cảm biến sẽ bật khi tế bào muốn tái tạo và tắt khi chúng được phục hồi, và chúng tôi là những người đầu tiên xác định được điều này", Kumar cho biết.
Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các tế bào không thể tái tạo bắt đầu tuyển dụng các protein Wnts, một nhân tố quan trọng khác trong sự phát triển của thận. Theo thời gian, sự tích tụ Wnts sẽ gây ra sẹo. Và họ phát hiện ra rằng việc ngăn chặn kích hoạt SOX9 một tuần sau khi bị thương sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi của thận.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát quá trình tương tự trong cơ sở dữ liệu bệnh nhân từ các tổ chức hợp tác ở Thụy Sĩ và Bỉ. Kumar cho biết, những khám phá này cung cấp mục tiêu cho việc phát triển thuốc điều trị cũng như phát hiện được chỉ dấu sinh học không xâm lấn cho phép chẩn đoán bệnh xơ thận qua nước tiểu. Hiện nay, xét nghiệm duy nhất để phát hiện bệnh xơ thận là sinh thiết, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tiến sĩ Clive Svendsen, giám đốc điều hành của Viện Y học Tái tạo tại Cedars-Sinai và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, những phát hiện này cũng có thể dẫn đến các lựa chọn điều trị mới cho bệnh nhân. Nghiên cứu trong tương lai theo hướng này cũng có thể nâng cao hiểu biết của chúng ta về tình trạng xơ hóa ở tim, phổi và gan.
https://vista.gov.vn/