Xác định được cơ chế đằng sau khả năng kháng trị liệu miễn dịch của u nguyên bào thần kinh đệm
Các tế bào của bệnh ung thư hiếm gặp có khả năng kháng lại liệu pháp miễn dịch. Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân của nó, điều này mở đường cho một phương pháp điều trị mới.
Liệu pháp điều trị miễn dịch là một thành tựu y học, cho phép các bác sĩ sử dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh ung thư. Hiệu quả của liệu pháp miễn dịch rất rõ ràng nhưng liệu pháp này không áp dụng được cho tất cả các bệnh ung thư.
Đối với căn bệnh ung thư não ác tính glioblastoma, nó có khả năng tái chiến đấu, chống lại liệu pháp điều trị. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết lý do.
Giáo sư lâm sàng và trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu và đổi mới công nghệ sinh học (BRIC) Joachim Lütken Weischenfeldt cho biết: “Các tế bào ung thư có thể kháng điều trị do chúng có thể biến đổi ADN của chúng. Tuy nhiên, khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, các tế bào khối u nguyên bào thần kinh đệm lại có cách thức hoạt động khác”.
Mỗi năm có khoảng 300 người Đan Mạch được chẩn đoán mắc bệnh ung thư nguyên bào thần kinh đệm hiếm gặp. Khi kiểm tra và so sánh chất liệu khối u trước và sau khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, nhóm nghiên cứu đã xác định được một nhóm bệnh nhân có các tế bào khối u có sự thay đổi hình dáng bên ngoài. Các tế bào này chỉ đơn giản là khoác lên nó thêm một 'lớp áo khoác' khác.
Weischenfeldt giải thích: “Thay vì đột biến, các tế bào khối u này chỉ đơn giản là thay đổi hình thức và cách hoạt động của chúng. Những tế bào này có khả năng thay đổi hình dáng và giống như một loại tế bào cụ thể được tìm thấy trong tủy xương và cực kỳ dẻo. Các tế bào ung thư không phải là tế bào duy nhất trải qua sự thay đổi này. Chúng tôi cũng nhận thấy những thay đổi lớn trong các đại thực bào và tế bào T. Nếu không được điều trị, các tế bào ung thư thường tự có khả năng tự bảo vệ nó khỏi sự tấn công tiêu diệt của tế bào T”.
Các tế bào ung thư u nguyên bào thần kinh đệm có thể phá vỡ liệu pháp miễn dịch bằng cách thay đổi bề ngoài của chúng, khiến việc điều trị miễn dịch không hiệu quả và chúng có thể tự bảo vệ khỏi sự tấn công của tế bào T, làm cạn kiệt các tế bào T. Sự kết hợp này làm cho ung thư u nguyên bào thần kinh đệm kháng lại được liệu pháp miễn dịch và cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể, và điều này khiến nó trở thành một loại ung thư rất hung hãn.
"Glioblastoma là loại u não ác tính nhất được tìm thấy ở người lớn tuổi với thời gian sống của bệnh nhân rất ngắn. Vì vậy, chúng tôi rất cần các phương pháp điều trị mới, hiệu quả". Weischenfeldt cho biết.
Weischenfeldt hy vọng nghiên cứu mới sẽ mở đường cho các phương pháp điều trị mới có khả năng chống lại cơ chế kháng thuốc đặc biệt của ung thư glioblastoma. Bước tiếp theo, Weischenfeldt và các đồng nghiệp là cố gắng xác định các bệnh ung thư tạo hình khác, nguyên nhân gây thất bại trong điều trị mà không hẳn do đột biến gen.
Về mặt khái niệm, nghiên cứu này đề xuất một cách tiếp cận khác để điều trị ung thư. Ý tưởng là nhắm vào tính dẻo của tế bào ung thư, tức là khả năng thay đổi hình dáng và tương tác với các tế bào xung quanh, bao gồm tế bào T và đại thực bào. Đây có thể là bước đầu tiên hướng tới một hình thức điều trị tùy chỉnh phù hợp hơn cho những bệnh nhân mắc các bệnh ung thư nguy hiểm như u nguyên bào thần kinh đệm mà chúng ta rất cần có các phương pháp điều trị mới.