Các nhà máy sản xuất nhiên liệu tái tạo “xanh” đang gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn các nhà máy lọc dầu
Theo một báo cáo mới, các nhà máy sản xuất nhiên liệu “xanh” đã lợi dụng những sơ hở trong quy định của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ để trở thành nguồn gây ô nhiễm lớn.
Cụ thể, năm 2022, 275 nhà máy nhiên liệu sinh học và ethanol ở Hoa Kỳ thải ra 12 triệu tấn chất độc hại vào không khí trong khi các nhà máy lọc dầu là 15 triệu tấn. Hơn nữa, các nhà máy này còn tạo ra thêm bốn loại hóa chất độc hại có thể gây nôn mửa, tiêu chảy và khó thở trong thời gian ngắn và về lâu dài, có liên quan đến bệnh ung thư.
Các nhà máy nhiên liệu xanh sử dụng những sản phẩm như dầu ngô hoặc dầu thực vật để làm nhiên liệu thay vì dầu mỏ. Phần lớn các nhà máy này tập trung ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ, trong đó nguồn phát thải mạnh nhất hexane, chất độc gây tổn thương thần kinh, là một nhà máy đặt ở Illinois.
Courtney Bernhardt, Giám đốc nghiên cứu Dự án về Tính toàn ven Môi trường (EIP), đơn vị đã công bố báo cáo, cho biết: “Mặc dù ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học được gắn với hình ảnh xanh, nhưng lại thải ra khối lượng lớn đáng ngạc nhiên chất ô nhiễm không khí khiến cộng đồng địa phương gặp nguy hiểm và vấn đề này trở nên trầm trọng hơn do quy định lỏng lẻo của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA)”.
Báo cáo của dự án EIP đã xem xét dữ liệu năm 2022 do EPA công bố về 191 nhà máy sản xuất ethanol, 71 nhà máy diesel sinh học và 13 nhà máy diesel tái tạo. Các nhà sản xuất nhiên liệu xanh không chỉ phát thải gần ngang bằng nhà máy sản xuất dầu mỏ và khí đốt, mà còn thải ra nhiều chất độc đặc biệt mạnh hơn các nhà sản xuất dầu mỏ, với lượng hexane, acetaldehyd, acrolein và formaldehyde nhiều hơn so với các nhà máy lọc dầu và khí đốt truyền thống.
Khói formaldehyde có thể gây ung thư và acetaldehyde cũng được cho là chất gây ung thư. Theo EIP, hít phải khí hexane, sẽ bị chóng mặt, buồn nôn và đau đầu. Acrolein, cũng được tìm thấy trong thuốc lá và vật liệu xây dựng, có thể gây nôn mửa, khó thở và liên quan đến bệnh hen suyễn.
Báo cáo nêu rõ, quá trình khai thác nguyên liệu thô và biến chúng thành nhiên liệu sinh học không tốt cho môi trường hơn là dầu khí truyền thống.
Các nhà máy nhiên liệu sinh học ở Hoa Kỳ đã thải ra 33 triệu tấn khí nhà kính vào năm 2022. Con số đó tương đương với lượng khí nhà kính phát thải từ 27,5 nhà máy lọc dầu. Tuy vậy, ngành công nghiệp “nhiên liệu xanh” vẫn đang bùng nổ. Một phần là nhờ vào nguồn tài trợ ngày càng tăng từ chính quyền Tổng thống Biden đã phân bổ hàng tỷ USD để phát triển nhiên liệu hàng không xanh với thông báo gần đây về việc dành 238 triệu USD để mở rộng sản xuất nhiên liệu sinh học.
Kể từ năm 2005, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu các nhà sản xuất xăng dầu phải pha trộn sản phẩm của họ với nhiên liệu sinh học như ethanol. Động thái này góp phần gia tăng số lượng các nhà máy nhiên liệu sinh học với mức tăng gấp 8 lần kể từ năm 2000.
Ethanol là nhiên liệu sinh học được làm từ ngô. Khoảng 40% tổng số ngô trồng ở Mỹ được dùng để sản xuất ethanol. Do nhu cầu nhiên liệu sinh học gia tăng, dẫn đến sản lượng ngô cũng được mở rộng, thêm khoảng 7 triệu mẫu trang trại ngô mới mỗi năm tiếp sau các quy định mới của liên bang. Mặc dù việc sử dụng ngô làm nhiên liệu về mặt lý thuyết là bền vững nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều vấn đề nảy sinh.
Báo cáo năm 2022 của Giáo sư Tyler Lark tại Trung tâm về Tính bền vững và Môi trường toàn cầu nêu rõ từ trang trại đến máy bơm, việc sản xuất ethanol thải ra lượng cacbon nhiều hơn 24% so với các nguồn nhiên liệu truyền thống. Khí thải cacbon được cho là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các trang trại trồng ngô đã gây ô nhiễm nghiêm trọng một số vùng nông nghiệp đến mức người dân địa phương được khuyến cáo không nên bơi lội, ăn cá hoặc uống từ nguồn nước ngọt địa phương.