Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin thế giới

Ngày đăng: 17-10-2024

Liệu pháp mới giúp phá vỡ mảng bám trong mạch máu

Các mảng bám dính tích tụ trên thành mạch máu có thể dẫn đến tình trạng đau tim và đột quỵ. Mới đây, liệu pháp tiêm hạt nano của các nhà khoa học tại Đại học bang Michigan (Hoa Kỳ) được công bố trên Tạp chí Nature Communications đã cho thấy đây là một phương pháp an toàn để xử lý những mảng bám này.

Chất béo, cholesterol và các chất khác trong máu có thể tích tụ dần theo thời gian, hình thành mảng bám trên thành động mạch. Điều này có thể gây tắc nghẽn trực tiếp hoặc kích hoạt một phản ứng viêm gọi là xơ vữa động mạch, từ đó dẫn đến tình trạng đau tim hoặc đột quỵ.

Các mảng bám dính tích tụ trên thành mạch máu có thể dẫn đến tình trạng đau tim và đột quỵ.

Tiến sỹ Bryan Smith - đồng tác giả nghiên cứu cho biết, các mảng bám trên thành động mạch là nguyên nhân dẫn đến phần lớn các cơn đau tim. Những mảng bám này thường không gây tắc nghẽn đáng kể, nhưng khi chúng vỡ ra, có thể đột ngột chặn hoàn toàn dòng máu, khiến cơn đau tim xuất hiện bất ngờ. Một phần vấn đề của xơ vữa động mạch là các tế bào chết trong mô mạch máu không được dọn sạch đúng cách bởi các tế bào miễn dịch, tạo ra các tổn thương trong động mạch. Những tế bào này sản sinh ra một phân tử gọi là CD47, phát ra tín hiệu “đừng ăn tôi” tới các tế bào miễn dịch. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, khi chặn CD47, tế bào miễn dịch sẽ quay trở lại loại bỏ tế bào chết. Tuy nhiên, cách tiếp cận này lại gây ra tác dụng phụ không mong muốn là tế bào miễn dịch sẽ tấn công luôn cả các tế bào hồng cầu, dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã phát triển một loại hạt nano có khả năng chặn CD47 nhưng chỉ nhắm mục tiêu vào bạch cầu đơn nhân và đại thực bào - hai loại tế bào miễn dịch liên quan đến viêm trong mảng bám. Thử nghiệm trên lợn cho thấy, liệu pháp này giúp giảm xơ vữa động mạch hiệu quả như các loại thuốc trước đây và không gây tổn thương tế bào máu.

Tiến sỹ Bryan Smith chia sẻ, nhóm nghiên cứu đã sử dụng chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để đo lường tác động của liệu pháp lên động mạch của lợn. Kết quả cho thấy, mức độ viêm giảm đi đáng kể, không chỉ dựa trên kỹ thuật hình ảnh mà còn qua các xét nghiệm phân tử. Điều quan trọng là không có bất kỳ tác dụng phụ nào mà nhóm nghiên cứu dự đoán có thể xảy ra nếu liệu pháp không được nhắm đích chính xác. Một điều đáng mừng là các thử nghiệm trên lợn cho thấy, các hạt nano có thể được sản xuất ở quy mô lớn, đủ để sử dụng trong cơ thể người. Nghiên cứu này cho thấy liệu pháp đủ tiềm năng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 20
Hôm nay: 1815
Tổng lượt truy cập: 3.945.738
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!