Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 13-06-2022

Hiệu quả kinh tế từ phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao

Nhiều mô hình mới, hiệu quả

Theo Liên minh HTX TP. Hà Nội, trên thế giới, HTX là mô hình kinh tế đã hình thành từ lâu đời, được khẳng định và phổ biến ở hầu hết các nước. Hiện nay, mô hình này đang tiếp tục phát triển, có sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia và phát huy hiệu quả tại nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, Hà Lan, Đức... Ở nước ta, nhất là Thủ đô Hà Nội, số lượng HTX được thành lập mới trong những năm qua vẫn tiếp tục tăng lên và HTX kiểu mới sẽ phát triển theo xu hướng chung này. 

Mặt khác, với kinh tế tập thể thì HTX sẽ phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lí, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả ngày càng cao.

Bên cạnh đó, quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng, có nhiều HTX quy mô toàn xã, huyện; nhiều loại hình HTX mới được thành lập như: HTX môi trường, HTX trường học, HTX y tế… Nhờ đó, thu nhập của người lao động cũng như của thành viên, hộ thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Đáng chú ý, số lượng HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường cả trong nước và ngoài nước.

Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội, cho biết hiện nhiều HTX đã tạo được sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, tập trung vào chức năng thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các hộ thành viên và nhân dân. 

Các HTX sản xuất chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều tổ chức hiệu quả các hoạt động dịch vụ cung ứng giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trị bệnh... cho các thành viên phát triển sản xuất. Đồng thời mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho HTX. Xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến phân phối. Bước đầu các HTX đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất cả các khâu đến tay người tiêu dùng.

Đặc biệt, các HTX đã phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, làm tốt các khâu dịch vụ thiết yếu có tính cộng đồng cao, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: HTX nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất), HTX nông nghiệp Song Phượng (huyện Đan Phượng)… 

Nhiều HTX đã tổ chức cho các hộ thành viên chuyển giao nhanh tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng trên 220 triệu đồng/ha/năm. 

HTX chăn nuôi Hoàng Long được xây dựng theo mô hình khép kín, có quạt làm mát, hệ thống máng ăn tự động


Có thể thấy, HTX hoạt động theo mô hình kiểu mới đã đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh cao, mở rộng liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từ đó đem lại thu nhập cao cho thành viên, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai cho biết HTX chăn nuôi Hoàng Long được thành lập từ năm 2013, có 30 thành viên. Trong quá trình phát triển, HTX đã xây dựng khu chăn nuôi khép kín, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi trên diện tích 720 m2 và xây dựng khu xử lý chất thải ngoài hàng rào khu vực chuồng trại khoảng 2,8 ha. 

Theo ông Long, ngoài chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, HTX còn tổ chức giết mổ, làm mát, cấp đông và chế biến sản phẩm từ thịt như: Giò, chả, xúc xích… với nhãn hiệu "Thịt lợn sinh học A-Z". Sản lượng thịt có ký kết hợp tiêu thụ 60 tấn/tháng, cho doanh thu 50-70 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân thành viên HTX khoảng 180 triệu đồng/năm.

"Qua 15 năm xây dựng và phát triển, HTX Chăn nuôi Hoàng Long đã có một quyết định đúng đắn, đó là đầu tư ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản và đồng bộ vào sản xuất. Quyết định đó đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho HTX khi trên diện tích hơn 2 ha với chuỗi nhà tầng khép kín. HTX đang chăn nuôi 400 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm nhưng chỉ sử dụng 8 lao động, vừa giảm chi phí, vừa bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với xu hướng sản xuất hiện đại và giúp HTX vượt qua được những khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh, trụ vững và phát triển đến hiện tại", ông Long chia sẻ.

Hệ thống quản lí hiện đại

Là một HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ đã phát huy được lợi thế của địa phương để phát triển lúa hữu cơ một cách bền vững, mang lại kinh tế cao và góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trong vùng.

Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú cho biết năm 2012, với diện tích 5 ha, nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú đã được Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ thực hiện thí điểm dự án sản xuất lúa hữu cơ. Từ những thành công bước đầu của dự án, xã đã mở rộng diện tích lúa hữu cơ. Mỗi năm diện tích lúa hữu cơ của xã từ 80-90 ha, trong vụ Xuân 2022, toàn xã cấy hơn 55 ha.

Lúa của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ cho năng suất cao


Để bảo đảm chất lượng đạt chuẩn, các nguồn đất, nước được HTX kiểm tra dư lượng các chất kim loại nặng, "nói không với thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, các chất hóa học"; chỉ sử dụng trong nông nghiệp từ đạm, lân và các chất bảo quản… Đặc biệt, để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, nông dân xã Đồng Phú còn không dùng bất cứ một loại hóa chất nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục. Bên cạnh đó, hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng mương máng phải được thau rửa, các cửa cống vào khu ruộng pải được đặt than hoạt tính… 

Theo bà Nguyệt, toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ qua hệ thống sổ sách (có thanh, kiểm tra giám sát) và lắp camera giám sát vùng trồng.

Ngoài việc sản xuất được thanh kiểm tra giám sát nội bộ, sản phẩm còn được thanh kiểm tra, giám sát, phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền cụ thể trình tự được cấp logo chứng nhận.

Dù thành lập chưa lâu nhưng HTX Đồng Phú đã có một nền tảng đó là chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường và đã được thị trường chấp nhận. Năm 2017, năng suất lúa tính bình quân đạt 170 kg/sào (4,6 tấn/ha) cùng với diện tích được nâng lên đã đủ cung cấp đủ cả năm cho khách hàng. Giai đoạn 2019-2020 diện tích tăng lên tổng 64 ha/năm, đạt 200 - 220 kg/sào (5,4 tấn/ha). 

Ngoài ra, qua so sánh đối chứng cho thấy tổng thu nhập sản xuất với phương pháp thông thường là đạt 89 triệu đồng/ha/năm nhưng tổng thu nhập sản xuất theo phương pháp hữu cơ đạt 185 triệu đồng/ha/năm. Giá trị đã tăng 96 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với canh tác thông thường, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức cho nhân dân trồng luân canh cây lúa với cây đậu tương cho thu nhập từ 8-10 tấn đậu ở vụ Đông, mang lại giá trị thu nhập từ 500-600 triệu đồng.

Hiện tại mỗi năm, HTX sản xuất 225 tấn lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản; giá trị gạo tăng gấp 2 lần so với mặt bằng chung với giá bán bình quân 32 triệu đồng/tấn, lãi khoảng 80-100 triệu đồng/ha. Hiện sản phẩm được tiêu thụ tại các công ty dịch vụ: Organica, Bác Tôm, Công ty Thực phẩm sạch Homfout, Công ty Tự nhiên Việt Nam…

Theo ông Lê Văn Phi (thôn Thượng Phúc, xã  Đồng Phú), gia đình ông có 3 mẫu đất sản xuất theo phương pháp hữu cơ, mỗi năm cho thu hoạch hơn 6 tấn lúa, được doanh nghiệp thu mua với giá tại ruộng hơn 11.000 đồng/kg (đạt hơn 180 triệu đồng/ha/năm; con số này cao gấp 2 lần so với lúa sản xuất theo phương pháp truyền thống). 

Bên cạnh đó, người nông dân còn được làm quen với xu hướng phát triển mới của ngành nông nghiệp là sản xuất an toàn và thân thiện môi trường. 

Đây là một hệ thống tổng thể của quản lý và sản xuất lương thực kết hợp thực hành tốt nhất về môi trường, mức độ đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và một phương pháp sản xuất phù hợp với việc bảo vệ sức khỏe. Đồng thời tránh sản phẩm độc hại hoặc sử dụng sai đầu vào hoá chất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về việc sử dụng các sản phẩm được sản xuất dùng các chất và quy trình tự nhiên.

https://baochinhphu.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 10
Hôm nay: 3724
Tổng lượt truy cập: 4.008.355
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!