Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có xu hướng dẫn đến những đổi mới căn bản, có thể đem đến những thay đổi đáng kể và đột phá đối với các sản phẩm và quy trình do doanh nghiệp (DN) cung cấp dựa trên kiến thức khoa học hoặc công nghệ mới, hoặc sự kết hợp mới từ những tri thức khoa học và công nghệ (KHCN) hiện có.
Nhiều DN Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào R&D và đạt được hiệu quả cao. Ảnh minh họa.
Các hoạt động này cũng làm tăng khả năng cho các DN đạt được tiêu chuẩn công nghệ cao hơn và dẫn đến gia tăng năng suất, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản xuất. Tuy nhiên, tại các DN Việt Nam, hoạt động R&D hiện vẫn còn chưa được thực sự quan tâm và đầu tư thích đáng. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc thúc đẩy hoạt động R&D trong DN là rất cần thiết.
Vai trò của R&D trong doanh nghiệp
R&D đề cập đến các hoạt động mà các công ty thực hiện để đổi mới và ra mắt các sản phẩm và dịch vụ mới. Mục tiêu của R&D thường là đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường và làm tăng lợi nhuận của công ty.
Trong mỗi DN, bộ phận R&D là một bộ phận không thể thiếu được, chúng có thể được tổ chức dưới hình thức cứng, như: có phòng kỹ thuật, phòng công nghệ hay phòng R&D hoặc được tổ chức dưới hình thức “mềm”, như: có các dự án, chương trình nghiên cứu trong DN có sự phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học kỹ thuật… Dù được tổ chức dưới hình thức nào thì số người làm việc trong bộ phận R&D ở mỗi DN luôn là những kỹ sư và kỹ thuật viên tinh nhuệ nhất. Họ không chỉ là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo cơ bản mà họ còn là những người có khả năng kinh doanh và marketing rất tốt, đây cũng chính là điểm khác biệt khi so sánh với cán bộ nghiên cứu trong các viện nghiên cứu và các trường đại học.
Xét về cơ cấu phân bổ đầu tư, trong số các tổ chức trực thuộc DN thì phòng kỹ thuật là nơi có đội ngũ cán bộ tinh nhuệ nhất và là nơi được cấp nhiều nguồn kinh phí nhất so với các bộ phận khác. Nguồn kinh phí này không ngừng tăng qua các năm hoạt động của DN.
Hoạt động R&D trong DN có 4 vai trò cơ bản sau: Tăng cường năng lực công nghệ cho DN; Tăng vị thế của DN; Tăng cường hoạt động xuất khẩu cho DN; Tăng trưởng và phát triển cho DN. Các DN dẫn đầu thị trường luôn có tỷ lệ đầu tư vào R&D cao nhất. Tuy nhiên, R&D là đầu tư mạo hiểm và khó kiểm soát hiệu quả hơn so với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường vì DN khó có thể tính toán trước giá thành và hiệu quả. Nhưng, nếu không đầu tư vào R&D, DN lại khó giữ được vị trí cạnh tranh. Vì vậy, hoạt động R&D sản phẩm mới cũng như cải tiến/đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất là hoạt động quan trọng và đem lại nhiều lợi ích cho DN, như: tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, tăng thị phần và lợi nhuận độc quyền.
Thực trạng hoạt động R&D của các doanh nghiệp tại Việt Nam
Những kết quả đạt được
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích DN thực hiện R&D và đổi mới sáng tạo. Tiêu biểu như Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021…
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng đã xác định “Phát triển mạnh KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế; Phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Theo định hướng của Đảng, Chính phủ không ngừng triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý nhằm đổi mới, tạo động lực cho DN phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, điều chỉnh tiêu chí DN công nghệ cao nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định DN công nghệ cao mới. Để thu hút đầu tư vào R&D, hoạt động đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã quyết định xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, khởi công vào đầu năm 2021. NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo duy nhất mà Chính phủ có một nghị định riêng để trao cho các thể chế vượt trội, tạo điều kiện phát triển và hoạt động hiệu quả. Do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cản trở hoạt động kinh doanh, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 37/2020/NĐ-CP, ngày 30/3/2021 để cập nhật danh sách các ngành và lĩnh vực tiếp cận ưu đãi đầu tư.
Với sự quan tâm từ phía Nhà nước, năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những kết quả ấn tượng. Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế, là nước đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia) [7].
Trong xu thế chung, các DN cũng hiểu rõ rằng, việc đầu tư cho R&D là giải pháp an toàn và bền vững giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập sâu vào thị trường trong nước và quốc tế. Vì thế, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư và đạt được hiệu quả cao. Một số ví dụ như:
Khối DN FDI: Samsung đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam với các nhà máy sản xuất điện thoại, sản xuất hàng gia dụng và 220 triệu USD xây dựng riêng một Trung tâm R&D tại Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, thu hút 3.000 kỹ sư tới làm việc và sẽ không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực đang là xu hướng của thế giới, như: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G [7].
Ngoài Samsung, các DN công nghệ khác đã chọn Việt Nam làm điểm đầu tư R&D. Trước đó, LG được cho là sẽ mở trung tâm thứ hai tại Đà Nẵng. Panasonic, Toshiba, cũng đã có các trung tâm R&D tại Việt Nam. Qualcomm cũng đã công bố phòng thí nghiệm duy nhất của mình ở Đông Nam Á tại Hà Nội với quy mô 4 phòng lab, tập trung vào các công nghệ có vai trò quan trọng hàng đầu hiện nay, như: sóng radio 4G/5G, camera, một phòng chuyên nghiên cứu cải thiện hiệu năng và pin cho thiết bị di động và một phòng giả lập môi trường mạng để phục vụ thị trường Mỹ, châu Âu [6].
Khối DN trong nước: Mô hình điển hình nhất về phát triển công nghiệp hỗ trợ tiến tới R&D tại Việt Nam là VinGroup với 2 dòng sản phẩm xe Vinfast và điện thoại VinSmart. Nhờ vào việc mua bản quyền sản xuất công nghệ pin lithium của LG, VinGroup đã có dây chuyền sản xuất pin lithium riêng, sở hữu nhiều chuyên gia hàng đầu, đào tạo được lớp nhân lực mới phù hợp với công nghệ phát triển để sẵn sàng cho bước chuyển sản xuất các sản phẩm R&D của mình.
Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong những DN có tỷ lệ trích lợi nhuận đầu tư R&D thuộc top đầu trong các DN trên sàn niêm yết là 20% lợi nhuận sau thuế. DN đã sớm thành lập trung tâm R&D từ năm 2011, với hơn 40 nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học lớn. Kết quả, hàng năm DN cho ra đời những sản phẩm mới đột phá ứng dụng vào mọi lĩnh vực nông nghiệp hay chiếu sáng nhân tạo duy trì tăng trưởng doanh thu bình quân trong 10 năm qua đạt 13%/năm. Hay như Công ty Cổ phần Vicostone đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 30%/năm và 80%/năm trong 10 năm qua. Để đạt được kết quả này DN đã đầu tư bốn trung tâm, phòng R&D, ba viện nghiên cứu và trường đại học cùng với việc trích doanh thu hàng năm làm chi phí nghiên cứu. Hay Tập đoàn Sunhouse, DN tư nhân, đã đầu tư nguồn vốn khổng lồ, lên tới hàng triệu USD vào mở rộng hệ thống nhà máy mới, đầu tư vào hoạt động R&D nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của dòng sản phẩm phục vụ thị trường nội địa và xây dựng quy chuẩn sản phẩm xuất khẩu đạt chuẩn quốc tế.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) bằng chiến lược “đứng trên vai những người khổng lồ” để có thể đi nhanh và nhìn xa hơn, Công ty đã tập trung khai thác các nguồn lực xã hội vào cùng phát triển công ty, mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu công lập, hợp tác quốc tế trong chuyển giao tiến bộ KHCN, đặc biệt Công ty đã hợp tác với gần như tất cả các nhà chọn tạo giống hàng đầu Việt Nam giúp Công ty đào tạo đội ngũ chuyên gia chọn tạo giống, chuyên gia sản xuất hạt lai F1, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ, kết nối hợp tác quốc tế. Vinaseed tiên phong trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ với 3 trung tâm nghiên cứu (10 cơ sở nghiên cứu) và 2 phòng công nghệ sinh học trong Công ty. Vinaseed là DN đầu tiên của ngành giống cây trồng Việt Nam được công nhận là DN KHCN. Vinaseed đã tham gia vào các chương trình nghiên cứu KHCN, chương trình sản phẩm trọng điểm Quốc gia để thực hiện các đề tài, dự án độc lập cấp nhà nước, các dự án hợp tác quốc tế, cũng như đã dành toàn bộ những ưu đãi để tập trung đầu tư cho hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật, và con người phục vụ nghiên cứu tạo giống. Từ một đơn vị chỉ kinh doanh giống lúa phổ thông, đến nay Vinaseed trở thành DN có tiềm lực KHCN hàng đầu Việt Nam. DN này đã sản xuất được những hạt gạo lọt top gạo ngon nhất thế giới, xuất khẩu thành công sang Hà Lan, Cộng hòa Séc và Australia.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Mặc dù đã có được một số những thành tựu, nhưng thực tế cho thấy, hoạt động triển khai R&D, đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN trong quản lý, kinh doanh của DN Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Thực tế cho thấy, ngoài một số DN lớn đã có chiến lược và nguồn vốn đầu tư, thì DN Việt Nam tham gia đầu tư cho R&D chưa nhiều. Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), số lượng DN nhận thức được sự cần thiết của việc đầu tư R&D đang chiếm tỷ lệ thấp. Một số DN trích lập Quỹ phát triển KHCN hàng năm, nhưng không dùng đến, sau đó phải hoàn nhập. Theo số liệu do Tổng cục Thuế cung cấp năm 2019 cho thấy: cả nước có 138.139 DN thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018, nhưng số DN trích lập Quỹ lại giảm từ 181 DN (năm 2018) chỉ có 164 DN (năm 2019). Trong top 10 DN có số trích lập và sử dụng Quỹ nhiều nhất, thì 70% là thuộc khối DN nhà nước [7].
Báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của khối thịnh vượng chung (Australia) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết chỉ có một phần nhỏ các DN Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo cùng với tỷ lệ DN có R&D trong các ngành sản xuất còn rất thấp (như: ngành sản xuất thiết bị điện 17%, ngành sản xuất hóa chất 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan 6%, ngành dệt may 5%) [8].
Còn khảo sát thực hiện bởi Khối Thương mại và Cạnh tranh thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới gần đây cho biết, các DN Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động R&D, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%), Campuchia (1,9%) [3].
“Báo cáo chính sách DN nhỏ và vừa và khởi nghiệp tại Việt Nam”, mới công bố vào tháng 8/2021 của Tổ chức OECD, cũng đưa ra nhận định: các DN nhỏ và vừa của Việt Nam dù tương đối sáng tạo về sản phẩm và quy trình, bao gồm cả việc áp dụng tự động hóa, nhưng đầu tư hạn chế cho R&D, do đó hầu hết các đổi mới này đều là “đổi mới tiết kiệm”. Một đặc điểm quan trọng về R&D ở nước ta phát triển, khác biệt về bản chất với R&D ở các quốc gia phát triển, đó là chủ yếu tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm/quy trình mới đối với thị trường/quốc gia hoặc mới đối với ngành, thay vì việc tạo ra các sản phẩm/quy trình mới đối với thế giới. Mặt khác, hoạt động R&D trong DN không chỉ ít hơn nhiều so với khu vực chính phủ và các khu vực đào tạo đại học công, mà còn chỉ tập trung ở một số DN có quy mô lớn, có trình độ cao. Với các DN nhỏ và vừa, hoạt động R&D chỉ diễn ra một cách riêng lẻ dưới dạng các nhiệm vụ đột xuất để giải quyết các vấn đề phát sinh trong sản xuất, không mang tính hệ thống.
Các DN thực hiện các hoạt động R&D để tạo ra các công nghệ mới hoặc điều chỉnh các công nghệ hiện có cho phù hợp với điều kiện của họ. Do khoảng cách về công nghệ của quốc gia, phần lớn hoạt động R&D của các DN ở Việt Nam liên quan đến việc điều chỉnh các công nghệ hiện có cho phù hợp với bối cảnh trong nước. Tại Việt Nam, số lượng đăng ký bằng sáng chế còn ít với tốc độ tăng trưởng rất chậm. Năm 2019, số lượng bằng sáng chế trên một triệu dân ở Việt Nam là 63, cao hơn ở Indonesia (36) hoặc Philippines (40), nhưng vẫn thấp hơn ở Thái Lan (117) hoặc Malaysia (228). Hơn nữa, phần lớn các đơn xin cấp bằng sáng chế (92%) là do người nước ngoài nộp [3].
Những giải pháp thúc đẩy hoạt động R&D trong doanh nghiệp Việt Nam
Một là, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức. Theo đó, cần nhận thức rõ ràng vai trò quan trọng của hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước cần có những chính sách kinh tế, như: thuế, tín dụng... hỗ trợ trực tiếp, thuận lợi trong việc tiếp cận và triển khai cho DN. Bên cạnh đó, việc kết hợp cùng với những chính sách khác, như: tạo môi trường thể chế hay chính sách đãi ngộ, thu hút chuyên gia và nhà khoa học... cũng rất quan trọng để đạt được hiệu quả và toàn diện.
Thứ hai, nâng cao vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Đầu tư cho hoạt động R&D là đầu tư mang tính chất dài hạn, rủi ro cao, nhưng lợi nhuận mang lại lớn và bền vững. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải rà soát lại hoạt động của các DN, có các cơ chế “mồi” nhằm khuyến khích đẩy mạnh hoạt động R&D tại DN, cần đưa ra kế hoạch và các tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Các DN được lựa chọn cần phải công khai để DN có trách nhiệm với những khoản vốn được đầu tư. Việc đầu tư cho DN chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của DN, không nên phụ thuộc vào quy mô DN.
Với Việt Nam hiện nay, mức chi cho R&D/GDP hiện quá thấp. Vì thế, cần tăng mạnh ngay trong năm nay và vài năm tới, trước hết từ ngân sách nhà nước; đồng thời có cơ chế khuyến khích cao cho đầu tư vào R&D của DN nội và FDI, coi R&D là lĩnh vực được ưu đãi cao nhất. Tại Việt Nam, nhiều chương trình khác nhau đã được phát triển để hỗ trợ R&D trên khắp cả nước. Với nguồn lực hạn chế, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho R&D sẽ cần được xác định dựa trên các ngành có tiềm năng lớn nhất trong trung và dài hạn [3].
Nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy hoạt động R&D. Vì vậy, cần xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn hướng đến cải thiện nguồn nhân lực KHCN. Để có một chương trình đào tạo hiệu quả, Chính phủ cần hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, các đơn vị đào tạo, các DN đầu ngành và các cá nhân thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp. Cần ươm tạo ra thế hệ sáng lập viên có kiến thức nền tảng đủ bao quát, tạo bước đệm cho một chặng đường dài.
Quyền sở hữu trí tuệ trở nên quan trọng hơn, với xu hướng ngày càng tăng các đơn đăng ký bằng sáng chế và thương hiệu từ các DN trong nước. Ở cấp độ vĩ mô, R&D trong các DN tư nhân cũng trở nên quan trọng hơn và đóng góp ngày càng nhiều vào các đầu tư R&D của quốc gia. Vì thế, Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới trong các DN tư nhân, cũng như phát triển hệ thống nghiên cứu phát triển chất lượng cao và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa 2 bên.
Thứ ba, DN Việt cũng cần tư duy và mạnh mẽ hơn nữa trong đầu tư cho hoạt động R&D cả về nhân lực và vật lực. Đồng thời, DN cũng cần chủ động tìm kiếm/giải mã và cải tiến các công nghệ của riêng mình, có thể nghiên cứu trong nước, kết hợp với các nhà khoa học để làm sao hấp thụ công nghệ tốt, phù hợp với hoạt động của mình./.
Tài liệu tham khảo
1. NISTPASS (2014). Báo cáo tổng hợp “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động R&D của DN”
2. Tổ chức OECD (2021). Báo cáo chính sách DN nhỏ và vừa và khởi nghiệp tại Việt Nam, công bố tháng 8/2021
3. Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của khối thịnh vượng chung (Australia), Bộ Khoa học và Công nghệ (2021). Báo cáo Đổi mới công nghệ ở Việt Nam
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, Nxb Thống kê
5. Trịnh Thu Thủy (2021). Thúc đẩy DN nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 10, tháng 4/2021
6. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (2021). Nghiên cứu phát triển trong DN, thực trạng tại Việt Nam, truy cập từ http://www.most.gov.vn/vn/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=20723&tieude=nghien-cuu-phat-trien-trong-doanh-nghiep--thuc-trang-tai-viet-nam.aspx
7. Việt Dũng (2020). Dòng vốn đầu tư R&D và hành trình thay đổi tư duy của doanh nghiệp, truy cập từ https://thesaigontimes.vn/dong-von-dau-tu-rd-va-hanh-trinh-thay-doi-tu-duy-cua-doanh-nghiep/
8. Hạnh Nguyễn (2021). Chuyên gia: Nhiều DN Việt vẫn chậm đổi mới sáng tạo, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-nhieu-doanh-nghiep-viet-van-cham-doi-moi-sang-tao/752971.vnp
http://www.truyenthongkhoahoc.vn/