Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 29-08-2023

Tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe cần đảm bảo chất lượng và áp dụng truy xuất nguồn gốc

 Sản phẩm xuất khẩu không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu để chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tuy nhiên do tiêu chuẩn hàng hóa ngày càng khắt khe nên tình trạng xuất khẩu ngày càng thêm khó.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, đối tác trên thế giới. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, khai thác các ưu đãi, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Việt Nam hiện đang được đánh giá là thành viên có trình độ phát triển thấp hơn so với đa số các nước thành viên khác khi thực hiện các FTA, vì vậy, các địa phương trong cả nước đang phải chịu sức ép mở cửa thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các hàng rào kỹ thuật thương mại, như: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, yêu cầu về an toàn, chất lượng, yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng hay các thủ tục đăng ký nhập khẩu, rồi các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn... nhất là đối với lĩnh vực dệt may và nông sản, thủy sản. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải chịu nhiều sức ép khi muốn giữ vững và mở rộng thị trường.

Nhiều quy định khắt khe, khó tiếp cận 

Không khó để nhận thấy hàng loạt các quy định mới từ các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian gần đây. Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã thông qua Dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020...

Nhiều tiêu chuẩn, quy định phức tạp về mặt pháp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: VOV

Thị trường ngay sát Việt Nam cũng không ngoại lệ, chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao. Đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy... đối với hàng hóa nhập khẩu.

Nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, thời gian qua thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre băn khoăn, trong quá trình tiếp cận loại hình thương mại này các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

“Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý. Thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế; những khó khăn trong vận chuyển, bảo quản và thông quan hàng hóa,... là những vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu để nắm bắt cụ thể”, bà Nga bày tỏ.

Theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa bị gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.

“Các nước nhập khẩu đặt ra yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên ưu tiên đặt hàng từ các nước sản xuất đã đầu tư phát triển sản xuất xanh và bền vững. Trong khi đó, mặc dù đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, nhưng chất lượng sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam thiếu ổn định, chưa đồng đều, doanh nghiệp chậm đổi mới quản trị, ứng dụng khoa học-công nghệ và chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch”, ông Đông nhận xét.

Phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và áp dụng truy xuất nguồn gốc tạo sự minh bạch

Theo các chuyên gia, những yếu tố nền tảng mà doanh nghiệp Việt cần xây dựng để có thể thâm nhập thị trường và phát triển bền vững là phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của sản phẩm, phải nâng cao thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu… Đây là các yêu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Những ngày gần đây, mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang được nhiều quốc gia quan tâm. Song theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, để gạo Việt Nam tăng sự hiện diện tại thị trường Anh, gạo xuất khẩu phải sạch và không có tồn dư hóa chất hay chất bảo quản.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần ký kết các hợp đồng cung ứng dài hạn. Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng tín dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng lúa áp dụng Global G.A.P để sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn nên triển khai những Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo đáp ứng chất lượng và thị hiếu tiêu dùng của thị trường”, ông Cường đề xuất.

Cũng theo khuyến nghị mới của EU, tất cả sản phẩm dệt may trên thị trường khu vực này phải bền và có thể tái chế; làm bằng sợi tái chế càng nhiều càng tốt; không có chất độc hại và được sản xuất với sự quan tâm đến các quyền xã hội và môi trường. Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch kinh doanh thích hợp, tránh trường hợp khi khuyến nghị của EU trở thành quy định bắt buộc, sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, Bộ Công Thương cũng như các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); đẩy mạnh việc khai báo, nộp hồ sơ C/O điện tử.

Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm sang EU cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn… Các quy định nhập khẩu của EU rất khắt khe và thay đổi thường xuyên, nên DN xuất khẩu phải liên tục cập nhật và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu để đáp ứng nhanh các quy định mới.

Ông Bùi Quang Tân, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia nhận định, việc ứng dụng mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, nhất là nông sản giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Đặc biệt, trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc chính là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

“Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp đã có giấy thông hành vào các thị trường khó tính trên thế giới, đồng thời nâng cao vị thế của sản phẩm nông sản Việt”, ông Tân chỉ rõ.

Cũng theo ông Tân, việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng không những giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm mà còn đảm bảo sự minh bạch về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc.

“Với các sản phẩm xuất khẩu, thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Tân chỉ rõ.

Trên thực tế, các nước như Nhật Bản, Australia, Mỹ… đều làm rất chặt vấn đề truy xuất nguồn gốc. Đơn cử, khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản vào Mỹ, người ta yêu cầu tất cả vùng trồng, nhà đóng gói phải được Mỹ cấp mã số mà không phải Việt Nam. Ngay cả việc chiếu xạ đối với sản phẩm xuất khẩu, thì cơ sở nào được Mỹ xác nhận thì mới được tiến hành chiếu xạ, phải đảm bảo giám sát tất cả các mối nguy hại có thể xảy đến từ sản phẩm.

https://vietq.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 7
Hôm nay: 2410
Tổng lượt truy cập: 3.952.429
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!