Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 06-09-2023

Truy xuất nguồn gốc: Đảm bảo ATTP và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Ngày 30/8/2023, tại Hà Nội, Viện Công nghiệp thực phẩm đã tổ chức “Hội thảo Truy xuất Nguồn gốc để Đảm bảo An toàn Thực phẩm và Nâng cao Năng lực Cạnh tranh của Doanh nghiệp Nông sản Thực phẩm Việt Nam”

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp những hiểu biết về khái niệm chung của truy xuất nguồn gốc (TXNG), cũng như những lợi ích trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm căn bản về TXNG, và tạo cơ hội để kết nối các mối quan hệ trong TXNG hiện nay.

PGS. TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Viện Công nghiệp thực phẩm)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm đã nhấn mạnh vai trò của an toàn thực phẩm trong đời sống hiện nay. Theo đó, đa số người tiêu dùng đều quan tâm đến các thông tin như: sản phẩm có chứa chất cấm hay không? nhà cung cấp có sử dụng hóc môn tăng trưởng hay không? Còn về phía sản xuất, cũng luôn quan tâm đến các thông tin căn bản như: nguyên liệu nhập có đúng như nguồn gốc cam kết hay không? làm thế nào để người tiêu dùng an tâm và tin tưởng về sản phẩm? khi xảy ra sự cố làm sao để biết lỗi xuất phát từ khâu nào?

Hiện nay, khi Việt Nam đã chính thức tham gia vào thị trường quốc tế, chúng ta cần tuân thủ các quy tắc để phát triển bền vững, đảm bảo sản phẩm xuất khẩu phải tuân thủ các quy chuẩn của từng thị trường nước ngoài. Tất cả những vấn đề trên đều liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc - vấn đề khá mới tại Việt Nam”, PGS.TS Vũ Nguyên Thành nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, Th.S Trịnh Như Hoa, Viện Công nghiệp thực phẩm đã trình bày khái niệm tổng quan về TXNG. Theo đó, TXNG không phải là hành động kiểm soát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, mà TXNG có vai trò giúp cho việc đánh giá chính xác đường đi của một sản phẩm và giúp truy tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục nhanh, chính xác. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở TXNG mà không kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm thì TXNG là hoàn toàn vô nghĩa.

Bên cạnh đó, đại diện Viện Công nghiệp thực phẩm cũng nêu lên những hạn chế trong TXNG tại Việt Nam. Cụ thể, tại Việt Nam, thông tin truy xuất chưa đầy đủ trong toàn chuỗi; chưa có sự kiểm tra chéo và kết nối thông tin; cơ sở dữ liệu không có hệ thống thống nhất; cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu kiểm tra về ATTP, kiểm tra hệ thống TXNG của cơ sở và thông tin công bố công khai còn hạn chế; đặc biệt là thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn về TXNG.

Các đại biểu được hướng dẫn thực hành truy xuất nguồn gốc tại Hội thảo. (Ảnh: Viện Công nghiệp thực phẩm)

Từ những hạn chế nêu trên, Viện Công nghiệp thực phẩm đã đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả TXNG thực phẩm tại Việt Nam. Trong đó, phía nhà nước cần xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có sự kết nối, quy định vai trò của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cá nhân và người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và hài hoà với quy chuẩn quốc tế; Xây dựng các tiêu chuẩn/ quy định về TXNG và cách thức chia sẻ thông tin an toàn, hiệu quả.

Phía các doanh nghiệp, cần lựa chọn, xây dựng các mô hình TXNG thực phẩm có sự tương tác của các thành phần trong chuỗi sản xuất; tích cực chia sẻ, minh bạch hoá thông tin TXNG thực phẩm; chủ động đào tạo về kỹ thuật và nhân lực tham gia tích cực vào chuyển đổi số ứng dụng trong TXNG thực phẩm; liên tục cập nhập các quy định pháp luật cho từng loại hàng hoá xuất khẩu ra các thị trường khác nhau trên thế giới.

Riêng đối với người tiêu dùng, cần tích cực tham gia chuyển đổi số, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm và TXNG thực phẩm. Mỗi người tiêu dùng hãy là những người mua hàng thông thái, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có tem mác và xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Viện Công nghệ thực phẩm)

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng được lắng nghe đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT trình bày tổng quan về quy định quốc tế và Việt Nam về truy xuất, triệu hồi, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TXNG. Đồng thời phổ biến những yêu cầu chung đối với TXNG của Việt Nam.

Tại Việt Nam, để đáp ứng các yêu cầu về TXNG các cơ sở phải thiết lập hệ thống TXNG theo quy tắc truy xuất một bước trước - một bước sau. Khi có yêu cầu thực hiện TXNG thực phẩm, cơ sở phải cung cấp thông tin đã được lưu giữ về cơ sở cung cấp lô hàng nhận và cơ sở tiếp nhận lô hàng giao; Thực phẩm sau mỗi công đoạn phải được mã hóa, nhận diện bằng một phương thức thích hợp để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, lưu ý thời gian lưu trữ thông tin TXNG: 06 tháng đối với thực phẩm nông lâm thủy sản tươi sống, 02 năm đối với thực phẩm nông lâm thủy sản đông lạnh, chế biến; Cơ sở kinh doanh bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng không bắt buộc lưu giữ thông tin về khách hàng mua.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã có cơ hội thực hành TXNG trên Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hoá quốc gia. Nhiều câu hỏi liên quan đến công cụ và giải pháp công nghệ trong truy xuất nguồn gốc đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế giải đáp.

Viện Công nghiệp thực phẩm được thành lập theo Quyết định số 112/CP ngày 21 tháng 7 năm 1967 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Viện Công nghiệp thực phẩm lần lượt trực thuộc Bộ Công nghiệp Nhẹ (1967-1969), Bộ Lương thực thực phẩm (1969-1980), Bộ Công nghiệp thực phẩm (1980-1987), Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (1987-1991), Bộ Công nghiệp Nhẹ (1992-1995), Bộ Công nghiệp (1995-2007), Bộ Công Thương từ 2008 đến nay. 

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, Viện Công nghiệp thực phẩm đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý do có nhiều thành tích góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

https://khcncongthuong.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 67
Hôm nay: 2556
Tổng lượt truy cập: 4.061.321
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!