Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 07-12-2023

Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới và Việt Nam. Việc ứng dụng rộng rãi những thành tựu từ CMCN 4.0, nhất là sự gia tăng của nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, sự thông minh hóa quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng sản phẩm, thông minh hóa quá trình quản trị xã hội, hình thành các mối quan hệ xã hội mới, những tương tác mới giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người lao động và người tiêu dùng, giữa người dân và chính quyền đang thách thức những quan điểm pháp lý truyền thống, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải có những điều chỉnh tương ứng.

Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc “tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Chỉ thị này nêu rõ: “để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian từ nay đến năm 2020 tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ…”. Các giải pháp, nhiệm vụ được chú trọng nêu ra trong Chỉ thị đó là: xây dựng chính phủ điện tử, đơn giản hóa và hiện đại hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số hướng tới nền quản trị thông minh, phát triển nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…

Việc thực hiện những mục tiêu nêu trên đòi hỏi một hệ thống pháp luật phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, tăng cường hiệu quả của nhà nước pháp quyền. Vì vậy, một vấn đề luôn được đặt ra ở các diễn đàn về CMCN 4.0 chính là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam để thích ứng với yêu cầu này.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách mà thực tiễn đặt ra, nhóm nghiên cứu của TS. Trần Thị Quang Hồng tại Viện Khoa học pháp lý đã thực hiện đề tài: “Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” từ năm 2019 đến năm 2020.

Đề tài đặt ra các mục tiêu cụ thể như sau: nghiên cứu, nhận diện phạm vi, mức độ và những khía cạnh tác động (thực tế và tiềm tàng) của CMCN 4.0 tới những thành tố cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam; nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế điển hình về ứng xử pháp luật đối với những vấn đề phát sinh từ CMCN 4.0, từ đó rút ra những bài học có thể tham khảo trong bối cảnh Việt Nam; nghiên cứu thực trạng để đánh giá những điểm bất cập và đánh giá mức độ sẵn sàng về mặt chính sách và pháp luật trong việc ứng phó với những vấn đề phát sinh của CMCN 4.0 cũng như những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra để hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong bố cảnh CMCN 4.0; và xác định những định hướng lớn cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu các cơ sở lý luận về hệ thống pháp luật và các cấp độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ngoài ra, các tác giả cũng nghiên cứu yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh thế giới và Việt Nam. Trong đó, đề tài xác định việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam vừa nằm trong quá trình phát triển của pháp luật thế giới gắn với các cuộc CMCN, vừa là bước tiếp theo của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam sau Đổi mới. Bên cạnh đó, các tác giả đã nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về ứng xử chính sách, pháp luật đáp ứng với yêu cầu của CMCN 4.0, đồng thời nghiên cứu thực trạng và khả năng đáp ứng của pháp luật Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.

Từ những nghiên cứu lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã xác định những yêu cầu về hoàn thiện pháp luật và từ đó, đề xuất những định hướng cơ bản cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0, bao gồm định hướng chung và định hướng cho một số lĩnh vực pháp luật cụ thể thuộc các trụ cột: thể chế kinh tế thị trường, quyền con người và tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đây mới là những định hướng cơ bản được thực hiện trong khuôn khổ một đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Để có những giải pháp thực sự góp phần vào việc xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa, bãi bỏ, ban hành mới các quy tắc pháp luật cụ thể, các nội dung trong Đề tài cần được nghiên cứu có tính chất chuyên biệt hơn và ở mức độ cụ thể hơn, trên cơ sở những định hướng mà Đề tài đã chỉ ra.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19182/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 1595
Tổng lượt truy cập: 4.057.816
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!