Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Tin tổng hợp

Ngày đăng: 20-06-2024

Áp dụng vào sản xuất các tiến bộ kỹ thuật mới giúp tăng sản lượng lúa đông xuân 2023-2024

Theo thông tin cung cấp của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ sản xuất lúa đông xuân 2023-2024, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được khuyến cáo bà con nông dân đã được áp dụng vào sản xuất như sử dụng giống lúa chất lượng, lúa lai, mạ khay, máy cấy... Bên cạnh đó, việc cung ứng vật tư cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất; nhiều địa phương, doanh nghiệp tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ nông dân và thu mua tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy để gia tăng giá trị. Ngoài ra, các địa phương tích cực xây dựng đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt trên diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào dồn điền đổi thửa, thực hiện cánh đồng lớn được phát triển tạo ra các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa với các giống lúa chất lượng cao giúp tăng hiệu quả sản xuất.

 

Kết quả của Vụ đông xuân 2023-2024 cho thấy, cả nước gieo cấy được 2,96 triệu ha lúa, tăng khoảng 1,6 nghìn ha so với cùng kỳ; năng suất ước đạt khoảng 68,7 tạ/ha, sản lượng 20,3 triệu tấn. Đây là vụ sản xuất tương đối thành công, mang lại hiệu quả sản xuất cao cho bà con nông dân. Theo kế hoạch, vụ hè thu năm 2024, các địa phương trên địa bàn cả nước dự kiến gieo cấy khoảng 1,91 triệu ha lúa, phấn đấu năng suất đạt khoảng 57,8 tạ/ha, sản lượng 11 triệu tấn.Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, vụ sản xuất lúa hè thu năm 2024 khả năng gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, mưa, bão, lũ, sâu bệnh gây hại… Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết để có phương án ứng phó; chủ động rà soát những diện tích lúa có khả năng bị hạn hán, thiếu nước cả vụ cần chuyển đổi sang cây trồng khác.

Tích cực triển khai các đề án, chiến lược, chỉ thị của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo; đặc biệt tập trung triển khai Đề án “một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” để hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Từ đó giúp cho địa phương phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả với mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.

Bộ NN&PTNT ước tính tổng nguồn vốn thực hiện Đề án khoảng 800 triệu USD từ các nguồn vốn: Ngân sách; tín dụng, nguồn xã hội hoá; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn hợp pháp khác, trong đó nguồn vốn chính là từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay, vốn tín dụng và nguồn thu từ tín chỉ carbon.

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 816
Tổng lượt truy cập: 3.950.835
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!