Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cần nỗ lực từ hai phía
Tài sản quan trọng của doanh nghiệp
Theo nhận định của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình, đang dần khẳng định vai trò là thước đo khả năng tồn tại và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, xây dựng và phát triển hệ thống SHTT nhằm khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ của doanh nghiệp là một trong những công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo khảo sát, có đến 90% người tiêu dùng cho rằng thương hiệu là yếu tố quyết định khi họ lựa chọn mua sắm.
SHTT được coi là tài sản có giá trị về tài chính và mang lại nguồn thu mới cũng như được sử dụng như là cơ sở đảm bảo tài chính cho doanh nghiệp. Trên thế giới, giá trị của tài sản vô hình đóng góp trong tổng tài sản của doanh nghiệp chiếm trên 70%, cá biệt, tài sản vô hình của một số doanh nghiệp chiếm trên 90%. Bên cạnh đó, còn góp phần quan trọng ngăn chặn tình trạng hàng giả và hàng nhái. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tiến hành đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp văn bằng bảo hộ. Xác lập quyền là khâu tiên quyết mà doanh nghiệp phải thực hiện kịp thời để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo báo cáo của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ): Năm 2020, Cục đã tiếp nhận 125.689 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019); trong đó, có 76.720 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp về đơn sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia và nhãn hiệu quốc tế; 22 đơn chỉ dẫn địa lý; 287 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam; 48.969 đơn/yêu cầu khác.
Cục đã xử lý được 113.476 đơn các loại; trong đó, có 71.829 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời, đã cấp 48.072 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (tăng 18,1% so với năm 2019), bao gồm 4.597 bằng độc quyền sáng chế - giải pháp hữu ích, 2.066 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 33.700 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia, 7.688 đăng ký quốc tế nhãn hiệu và 21 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Tuy nhiên, ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT - cho biết, nếu nhìn vào danh sách bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích mà Cục công bố hàng tháng dễ nhận ra các chủ thể nước ngoài vẫn đang chiếm đa số còn lượng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam thì chiếm tỷ lệ chưa cao. Điều này do nhu cầu đối với sáng chế chưa cao; năng lực nghiên cứu của Việt Nam còn thấp; khả năng hấp thụ sáng chế của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế khuyến khích tạo ra sáng chế ở doanh nghiệp, viện, trường chưa thực sự hiệu quả.
“Vì chưa có ý thức về quyền SHTT, các nhà sáng chế đã bỏ qua công đoạn đăng ký bảo hộ sáng chế cho công nghệ của mình, dẫn tới đến khi thương mại hóa đã rơi vào tình cảnh không được hưởng lợi ích từ quyền SHTT mà lẽ ra họ rất xứng đáng” - ông Phan Ngân Sơn nói.
Khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh với gần 4.000 doanh nghiệp của thành phố còn cho thấy, chỉ có 1,63% số doanh nghiệp có nhân sự được đào tạo, tập huấn hoặc chuyên trách về tài sản trí tuệ; 2,25% doanh nghiệp có ban hành các quy định nội bộ, quy chế quản lý tài sản trí tuệ. Đáng chú ý, chỉ có 0,66% số doanh nghiệp hạch toán các tài sản trí tuệ vào giá trị tài sản cố định vô hình trên bảng cân đối kế toán.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Thắng - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Thành công Á Châu (Hà Nội) - cho biết, khi ở bên Mỹ, tôi thấy các doanh nghiệp rất quan tâm đến bảo hộ SHTT, bản quyền các sản phẩm mình đưa ra. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp lại chưa để ý nhiều về vấn đề này. Sau khi sản phẩm thành công 1, 2 năm, họ mới quay lại vấn đề đi tìm bản quyền thì có khi đã bị mất bản quyền. Do đó, các doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ quyền SHTT sớm nhất có thể. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký.
Nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ
Theo các chuyên gia, một điều đáng ghi nhận trong năm 2020, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19, số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam vẫn tăng 35% so với năm 2019. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của SHTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
“Doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cần phải tăng cường, phát triển tài sản trí tuệ” - ông Phan Ngân Sơn nhấn mạnh, đồng thời cho hay, về sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, một trong những mũi nhọn Cục SHTT ưu tiên thực hiện là nâng cao năng lực về SHTT và đổi mới sáng tạo cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đây là một trong những cái nôi để gia tăng về số lượng đơn và bằng độc quyền sáng chế “Make in Vietnam”.
Trong thời gian tới, Cục SHTT sẽ tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển SHTT đến năm 2030 với quan điểm đổi mới căn bản cách tiếp cận so với giai đoạn 2011-2020 nhằm góp phần đưa SHTT thực sự trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo đó, chương trình được xây dựng với quy mô lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ SHTT, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa SHTT; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2022. Luật SHTT được sửa đổi trên cơ sở quán triệt mục tiêu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và thực hiện Nghị quyết của Chính phủ trong tình hình mới, lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả các cam kết SHTT trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây, triển khai nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược SHTT đến năm 2030.
Nội dung sửa đổi Luật SHTT lần này cơ bản sẽ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
SHTT được đánh giá là một loại tài sản quan trọng, có giá trị nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Nhiều công ty, doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác hiệu quả quyền SHTT phải kể đến như: Coca Cola, Microsoft, IBM… với giá trị thương hiệu - tài sản SHTT lên tới hàng chục tỷ USD. |
https://congthuong.vn/