Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Sở hữu trí tuệ

Ngày đăng: 19-02-2024

Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề về tài sản trí tuệ (TSTT), bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), quản trị TSTT ngày càng trở nên phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự lưu tâm. Không thể đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm vững mọi vấn đề nói trên, nhưng để tránh gặp phải rủi ro và tổn thất, lãng phí về nguồn lực, các doanh nghiệp Việt Nam cần được sự tư vấn, hỗ trợ đắc lực, trước hết là từ phía Nhà nước. Sở dĩ như vậy vì các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang vấp phải nhiều khó khăn đó là: Chưa hiểu rõ được vai trò, tầm quan trọng, cách thức tổ chức thực hiện việc tạo dựng và phát triển, bảo hộ, khai thác/thương mại hóa, bảo vệ TSTT; Thiếu nhân lực chuyên trách quản trị TSTT; Quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ, khả năng đầu tư tài chính cho việc phát triển TSTT để duy trì lợi thế cạnh tranh là rất hạn chế; Vai trò của Nhà nước liên quan đến cung cấp dịch vụ công trong việc tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp về các vấn đề nêu trên còn mờ nhạt, chưa thấy rõ hiệu quả. Hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp mới chỉ chủ yếu ở mức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Chưa có cơ quan nhà nước nào tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo hộ, quản trị TSTT như một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Với những lý do nói trên, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia các FTA với các nước/khu vực khác, hoạt động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ, quản trị TSTT do Nhà nước trực tiếp thực hiện với tính chất định hướng, dẫn dắt, tạo môi trường thuận lợi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế là thực sự cấp thiết và có tính lâu dài. Nhằm góp phần hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ và hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển TSTT của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, cũng như làm tăng số lượng nguồn cung cho thị trường khoa học và công nghệ, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ (KHSHTT) là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Bộ KHCN, có chức năng nghiên cứu, đào tạo, giám định, tư vấn... về sở hữu công nghiệp (SHCN) phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, hoạt động tạo lập, bảo hộ và phát triển TSTT của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh chưa có tổ chức trung gian nào có cơ sở dữ liệu thông tin SHCN đầy đủ và thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin SHCN theo yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp, Viện KHSHTT đã xây dựng và vận hành thành công Nền tảng dữ liệu và dịch vụ SHCN (Nền tảng IPPlatform). Cùng với kinh nghiệm trong việc khai thác thông tin SHCN là nền tảng để triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị TSTT, ThS. Bùi Tiến Quyết cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện dự án: “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước” với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nghiệp về khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, pháp lý liên quan tới việc tạo dựng, xác lập quyền, thương mại hóa tài sản trí tuệ (TSTT), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và quản trị TSTT; tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc khai thác thông tin SHTT, tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ, gia hạn/duy trì hiệu lực, thương mại hóa TSTT, bảo vệ quyền SHTT và tổ chức quản trị TSTT...

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả đáp ứng được các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đề ra.

Thông qua việc triển khai thực hiện Dự án, cùng với việc khảo sát, học tập kinh nghiệm của quốc tế, đơn vị chủ trì đã xây dựng được các công cụ phục vụ việc tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về quản trị TSTT (Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Tài liệu giảng dạy; Sổ tay hướng dẫn về quản trị TSTT…); hoạt động tư vấn và thực hiện dịch vụ SHTT (Bộ câu hỏi đáp về SHTT; Mẫu báo cáo kết quả tư vấn: Tra cứu thông tin SHCN; Đánh giá kết quả tra cứu thông tin SHCN; Đánh giá khả năng bảo hộ/khả năng sử dụng đối tượng SHCN; Quy trình thực hiện tư vấn; Hệ thống kênh tư vấn; Bộ phận tiếp nhận và thực hiện tư vấn, dịch vụ về SHTT…) ngay khi Dự án kết thúc nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Ngoài ra, đơn vị chủ trì cũng đã tổ chức 7 lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản trị TSTT cho 350 cán bộ thuộc khối trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức trung gian, hiệp hội. Các học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng sẽ nắm được các kiến thức, kỹ năng, nhận thức cơ bản về các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, pháp lý liên quan tới việc tạo dựng, xác lập quyền, thương mại hóa, bảo vệ và quản trị TSTT, có khả năng thực hiện các công việc liên quan tới tạo dựng, xác lập quyền, thương mại hóa, bảo vệ và quản trị TSTT.

Với những kết quả đạt được, Viện KHSHTT bước đầu hình thành và phát triển dịch vụ của tổ chức trung gian thuộc Nhà nước, là tiền đề để Viện KHSHTT hoàn thiện và tiếp tục triển khai hoạt động của tổ chức trung gian hỗ trợ phát triển thị trường KHCN trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng về quản trị TSTT và tư vấn, hỗ trợ về SHTT.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 193/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

CHUYÊN MỤC KH&CN SỐ 5-2016

Thống kê truy cập
Số người online: 21
Hôm nay: 16751
Tổng lượt truy cập: 3.596.348
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!