Công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận
Qua 2 năm triển khai thực hiện (2016-2018), đề tài đã hoàn thành mục tiêu và nội dung triển khai chính đề ra.
- Đã thiết kế và lắp đặt 60 hệ thống tưới tiết kiệm nước tại các hộ dân tham gia mô hình, gồm: 52 hệ thống tưới phun mưa và 08 hệ thống tưới nhỏ giọt. Các hệ thống tưới tiết kiệm lắp đặt được đưa vào vận hành, sử dụng ổn định và phát huy hiệu quả của hệ thống tưới tiết kiệm cho các loại cây trồng của dự án.
- Các quy trình công nghệ đã được chuyển giao và hoàn thiện phù hợp với điều kiện sản xuất tại Ninh Thuận như: Quy trình tưới tiết kiệm trên cây táo; Quy trình tưới tiết kiệm trên cây nho; Quy trình tưới tiết kiệm trên cây rau ăn lá; Quy trình tưới tiết kiệm trên cây hành, tỏi; Quy trình tưới tiết kiệm trên cây măng tây xanh; Quy trình tưới tiết kiệm cho cỏ làm thức ăn gia súc.
- Dự án đã xây dựng được 06 mô hình tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng, với tổng diện tích là 15 ha, gồm: Mô hình tưới tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cây nho (01 ha); mô hình tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cây táo (01 ha); mô hình tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cây rau ăn lá (05 ha); mô hình tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cây hành, tỏi (03 ha); mô hình tưới tiết kiệm tưới nhỏ giọt cho cây măng tây xanh (02 ha); mô hình tưới tiết kiệm tưới phun mưa cho cỏ làm thức ăn gia súc (03 ha). Áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt) sẽ tiết kiệm được lượng nước từ 40-60% so với mô hình không sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Năng suất mô hình tưới tiết kiệm tăng từ 19-59% so với mô hình không sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm.
- Đào tạo 04 cán bộ kỹ thuật và 10 kỹ thuật viên cơ sở tiếp nhận quy trình và triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước trên 6 loại cây trồng của dự án. Tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho 600 lượt hộ dân vùng triển khai dự án về kỹ thuật canh tác sản xuất nông nghiệp gắn với tưới tiết kiệm nước trên các cây trồng. Qua đó, giúp cho người dân tiếp cận, nắm bắt công nghệ. Nhờ vậy, đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa hoc công nghệ trong sản xuất nho, táo, măng tây xanh, rau ăn lá, hành tỏi, cỏ chăn nuôi.
Việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước là một trong giải pháp cần thiết đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận. Đây là phương pháp tưới tiết kiệm nước, giảm lượng nước tưới rất lớn so với tưới tràn truyền thống. Đa số là nguồn nước tưới ở những khu vực bố trí mô hình là nước ngầm, nông dân thường thiếu nước tưới về mùa khô (khu vực trồng hành tỏi, khu vực trồng nho táo, khu vực trồng măng tây xanh), tình trạng thiếu nước vào mùa khô là rất nghiêm trọng, cây sinh trưởng phát triển kém và nghiêm trọng hơn là diện tích bỏ hoang đất sản xuất do thiếu nước sản xuất. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã làm giảm áp lực khai thác nước ngầm và đủ nước sử dụng trong cả mùa khô. Tạo điều kiện phục hồi hệ sinh thái của các vùng đất bị hạn hán, xói mòn và đang có nguy cơ sa mạc hóa.
Dự án được bố trí tại các hộ có đủ điều kiện, phù hợp với mục tiêu của dự án và rất điển hình về vấn đề thiếu nước tưới vào mùa khô, đây là một giải pháp kỹ thuật rất phù hợp cho sản xuất vùng khô hạn, hệ thống thiết bị sẽ được khai thác tối đa và bảo quản chặt chẽ nên khả năng duy trì của dự án mang tính khả thi cao. Đây là dự án rất phù hợp với địa phương, sau khi tập huấn, hội nghị đầu bờ, người dân đã tự đánh giá được hiệu quả kinh tế của các mô hình tưới tiết kiệm 54 nước. Đã có nhiều hộ dân lắp đặt thiết bị tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, cụ thể là xã An Hải, Xuân Hải, xã Lợi Hải nơi bố trí mô hình tưới cho cây rau màu đã có 21 hộ dân ở thôn Nam Cương và Tuấn Tú áp dụng mô hình này trên diện tích là 10 ha tưới cho rau màu, có 18 hộ dân phường Văn Hải - Tp. Phan rang-Tháp Chàm ứng dụng tưới cho 10 ha cây măng tây xanh và rau màu. Khả năng nhân rộng của mô hình là rất lớn trong thời gian tới.
Sau khi triển khai dự án, Cơ quan chủ trì đã tiếp nhận 06 Quy trình và áp dụng các quy trình để triển khai 6 mô hình tưới tiết kiệm nước (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt) trên 6 loại cây trồng (nho, táo, rau, hành tỏi, măng tây xanh, cỏ) và có thể làm chủ quy trình công nghệ để triển khai ứng dụng, nhân rộng cho các cá nhân có nhu cầu trong tỉnh. Ngoài ra, dự án đã thu hút cán bộ tình nguyện đến làm việc thường xuyên tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt là vùng đồng bào Chăm để hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện dự án. Qua quá trình thực hiện dự án đã giúp cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ của Trung tâm Thông tin-Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Ninh Thuận tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế trong quá trình công tác, vận dụng lý luận vào trong thực tế sản xuất tại địa phương. Góp phần nâng cao kiến thức cho người dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản và mang lại hiệu quả kinh tế hộ dân, góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng dự án.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17006/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/