Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 08-07-2022

Nghiên cứu cơ chế quan hệ đối tác công tư và các chính sách, giải pháp thúc đẩy hoạt động khuyến công nghệ tại Việt Nam

UNCTAD (2007) khi nghiên cứu về đổi mới công nghệ tại các nước chậm phát triển cũng chỉ ra rằng ở các nước này để phát triển và tích lũy tri thức, việc học hỏi, tiếp thu công nghệ (đặc biệt thông qua đáp ứng tiêu chuẩn của khách hàng nước ngoài hay doanh nghiệp FDI) có ý nghĩa to lớn hơn nghiên cứu và phát triển chính thức. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học cần tích cực và chủ động hơn trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nước mình trong quá trình học hỏi đó.

OECD (1998) và Schacht W.H. (2011) giới thiệu và đánh giá tổng quan về khuyến CN ở Hoa kỳ gắn với các hoạt động trong chương trình Quan hệ đối tác khuyến sản xuất (MEP) của chính quyền liên bang. MEP thực chất là một mạng lưới các trung tâm vùng hoạt động trên cơ sở quan hệ đối tác nhiều bên (cả công và tư) cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ kinh doanh sát với nhu cầu của DNN&V ở địa phương nhằm nâng cao kết quả hoạt động và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp này. Chương trình là một sáng kiến phối hợp giữa chính quyền liên bang và chính quyền các bang, có sự tham gia của cả các tổ chức không vì mục đích lợi nhuận, các cơ quan khoa học, và các nhóm doanh nghiệp. Đi vào hoạt động vào năm 1988 với 3 trung tâm, đến năm 1994 MEP nhập thêm 36 trung tâm ban đầu do Bộ quốc phòng tài trợ và nhanh chóng mở rộng ra tất cả các bang, với khoảng 60 trung tâm và hơn 440 trạm thực địa cung cấp những hỗ trợ công nghiệp cả công và tư. MEP được tổ chức phi tập trung và rất linh hoạt. Kinh phí liên bang được dùng để hỗ trợ cho việc thành lập và vận hành của các trung tâm vùng theo nguyên tắc cạnh tranh có đối ứng và trên cơ sở đánh giá năng lực của cơ quan đối tác địa phương. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực tự có, các trung tâm MEP còn cộng tác với hàng nghìn tổ chức cả công và tư trên khắp nước Mỹ, qua đó khai thác được nguồn lực khác, tránh trùng lắp về dịch vụ, thu hút được các kỹ năng chuyên môn, tăng nhận thức và thúc đẩy sự linh hoạt trong cung ứng dịch vụ. Hoạt động của các trung tâm mang tính thị trường, có hỗ trợ của nhà nước khi doanh nghiệp phải trả khoảng 40% chi phí dịch vụ.

Tuy đạt được những thành tựu nhất định, nhưng thực tế cho thấy một số kết quả nghiên cứu tạo ra từ việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN của nhà nước chưa thực sự phù hợp để giúp giải quyết những vấn đề công nghệ mà số đông doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV gặp phải. Thực tế cũng cho thấy, việc tìm ra những giải pháp có sẵn hoặc đưa ra những giải pháp đơn giản, độc đáo, đúng “chỗ ngứa” cho các vấn đề công nghệ của DNNVV thường mang lại hiệu quả lớn hơn so với việc các cơ quan KH&CN phát triển công nghệ mới, (thường là chưa sẵn sàng để thương mại hóa) rồi tìm cách chuyển giao cho DNNVV.

Thực tiễn cũng cho thấy giải pháp cho những vấn đề công nghệ mà DNNVV gặp phải có thể đã có mà doanh nghiệp chưa biết, hoặc biết nhưng không tiếp cận được. Cũng có thể đó là những vấn đề đặc thù, chưa từng gặp, cần nghiên cứu chuyên biệt để có giải pháp phù hợp. Do vậy, cơ chế xác định và thực hiện nhiệm vụ KH&CN 3 như hiện nay sẽ không phù hợp và cần có những cơ chế hỗ trợ thích hợp hơn có khả năng nhanh chóng giúp DNNVVs xác định rõ các vấn đề công nghệ họ cần giải quyết; tìm đúng, áp dụng thành công công nghệ sẵn có, phù hợp; hoặc nghiên cứu phát triển giải pháp riêng, đơn giản. Ngoài ra, việc nghiên cứu tổng kết các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, những thực hành tốt, cách làm hay rồi khuyến cáo, hỗ trợ DNNVVs áp dụng cũng sẽ mang lại những thành quả rõ ràng với chi phí thấp. Đây là những nội dung cơ bản nhất của hoạt động khuyến CN.

Để có thể thực hiện tốt hơn các hoạt động khuyến CN, đáp ứng trúng đích, nhanh chóng, hiệu quả nhu cầu đa dạng về giải pháp công nghệ, dịch vụ kỹ thuật của số đông DNNVV, sẽ phải dựa vào mạng lưới các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau được gắn kết thông qua các đầu mối điều phối hữu hiệu hoạt động theo cơ chế thị trường có trợ giúp của Nhà nước. Những đầu mối này phải có năng lực kết nối, hoạt động theo tín hiệu thị trường, được điều hành chuyên nghiệp, có khả năng thiết lập quan hệ đối tác với nhiều nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật cả trong nước và quốc tế. Tài trợ cho hoạt động của mạng lưới này cũng cần được điều phối, thông qua quan hệ đối tác của các cơ quan nhà nước trung ứng, địa phương, các tổ chức quốc tế, các chương trình có mục tiêu phù hợp. Việc nghiên cứu cơ chế quan hệ đối tác công tư và các chính sách, giải pháp thúc đẩy hoạt động khuyến CN theo hướng trên đây là hết sức cấp thiết, hứa hẹn mang lại những giải pháp cụ thể, thiết thực giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNVV tại Việt Nam.

Xuất phát từ thực tiễn đó, cơ quan chủ trì Viện chiến lược và chính sách khoa học công nghệ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Võ Hưng thực hiện đề tài Nghiên cứu cơ chế quan hệ đối tác công tư và các chính sách, giải pháp thúc đẩy hoạt động khuyến công nghệ tại Việt Nam với mục tiêu: Đề xuất thiết kế một số mẫu cơ chế quan hệ đối tác công tư thực hiện các hoạt động, cung cấp dịch vụ khuyến CN nhằm khuyến khích, hỗ trợ DNNVV áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, thực hành chuẩn mực tốt; xác định rõ các vấn đề công nghệ cần giải quyết; tìm đúng, áp dụng thành công công nghệ phù hợp, sẵn có, hoặc nghiên cứu phát triển giải pháp riêng cho các vấn đề công nghệ đã xác định.

Đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu về hoạt động khuyến công nghệ phục vụ DNNVV trong ngành chế biến, chế tạo. Phần nghiên cứu về khuyến nông được thực hiện theo yêu cầu của Hội đồng tư vấn thuyết minh nhiệm vụ với kỳ vọng thu được những kinh nghiệm để áp dụng cho hoạt động khuyến công nghệ. Các chương trình, dự án được khảo sát được giới hạn ở các chương trình, dự án còn đang hoạt động, có nội dung liên quan đến khuyến công nghệ, do các bộ ngành, các hiệp hội, tổ chức quốc tế chủ trì thực hiện.

Khuyến CN được xem là một bộ phận của chính sách đổi mới (Innovation Policies), tuy nhiên, khuyến công nghệ không nhằm vào việc phát triển các công nghệ mới, tạo ra các tài sản trí tuệ hoặc thành lập doanh nghiệp mới mà nhằm phổ biến các công nghệ đã được kiểm chứng, các thực hành tốt đến DNVVV đã định hình nhằm nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc hấp thu, làm chủ công nghệ là một bước chuẩn bị để doanh nghiệp có thể thực hiện các đổi mới phức tạp hơn và cũng là bước cần thiết để phát triển văn hóa đổi mới. Các doanh nghiệp có hiệu quả cao trong cải tiến sản xuất cũng là các đơn vị có năng suất cao, có khả năng học hỏi từ kinh nghiệm giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp ở tất cả các cấp quản lý.

Việc quản lý cải tiến kỹ thuật, một mục tiêu mà hoạt động khuyến công nghệ hướng tới, và quản lý đổi mới sáng tạo khác nhau không chỉ về mục tiêu mà còn về nội dung và hoạt động. Về cơ bản, cải tiến kỹ thuật nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi trong hình thức sản xuất của doanh nghiệp, đó là những giải pháp tự nhiên cho những vấn đề hiện tại và tạo thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu kinh doanh. Trong khi đó, quản lý đổi mới thường nhằm tới sự chuyển đổi then chốt trong hoạt động của doanh nghiệp, những thay đổi mang tính chiến lược cơ bản. Ngay cả trong trường hợp "đổi mới nhỏ" - những thay đổi tương đối nhỏ trong quy trình công nghệ hoặc sản phẩm - trọng tâm chiến lược của doanh nghiệp thường cũng phải có thay đổi đáng kể. Với đổi mới sáng tạo, phương thức kinh doanh của một doanh nghiệp có thể thay đổi, đi kèm theo là các mối quan hệ khách hàng, hay toàn bộ mối quan hệ của doanh nghiệp với thị trường. Khuyến công nghệ chưa giúp được các doanh nghiệp có khả năng đối phó với những thay đổi như vậy nhưng có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận gần hơn nếu các hỗ trợ về kỹ thuật phát huy tác dụng.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đề tài nghiên cứu về khuyến công nghệ, một vấn đề tưởng như không mới vì đã có nhiều chương trình, dự án về phổ biến công nghệ, phổ biến thực hành tốt, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật công nghệ cho DNNVV. Tuy nhiên, các chương trình này thường gặp vấn đề về tiếp cận doanh nghiệp; năng lực “vươn tới” doanh nghiệp, bám sát doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đa dạng, chuyên biệt, nhanh của doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Đề tài chỉ ra ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là sự bỏ sót “cơ hội chính sách”, khuyến công nghệ với đối tượng là các DNNVV trung bình, đã và đang hoạt động và nội dung chủ yếu liên quan đến cải thiện hoạt động, phổ biến áp dụng công nghệ đã ổn định, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề công nghệ “bình thường”, v.v... còn chưa được chú ý. Số đông DNNVV với nhu cầu giải quyết các vướng mắc về công nghệ “bình thường” rất đáng được hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức KH&CN.

Thứ hai là về cách tổ chức hỗ trợ DNNVV. Phần lớn các chương trình, dự án này hiện đang tổ chức theo kiểu “cát cứ”, manh mún. Khuyến CN cần được thực hiện một cách có hệ thống, với nhiều loại dịch vụ thiết thực, bổ trợ lẫn nhau. Bởi vậy, đề tài đề xuất tổ chức chương trình khuyến công nghệ dựa trên nền tảng quan hệ đối tác nhiều bên, nhiều tầng nấc, với hạt nhân là mạng lưới các Trung tâm khuyến công nghệ vùng, địa phương. Các trung tâm này cần hoạt động theo cơ chế thị trường, do các tổ chức mẹ có năng lực kết nối mạng lưới, đóng vai trò như “cổng kết nối” các nhà cung cấp dịch vụ.

Thứ ba là những quy định cứng nhắc, nặng về hành chính liên quan tới Luật ngân sách, nhiều thứ hoàn toàn không phù hợp với đòi hỏi phản ứng nhanh, đáp ứng trúng nhu cầu hỗ trợ của DNNVV. Nếu mỗi khi doanh nghiệp gặp khó khăn về công nghệ cần sự trợ giúp lại phải đề xuất một “nhiệm vụ KH&CN” theo trình tự thủ tục lập kế hoạch, giao dự toán, thanh quyết toán như hiện nay thì đảm bảo chương trình khuyến công nghệ sẽ không thể chạy được. Một số đề xuất về cơ chế, chính sách để chạy chương trình khuyến công nghệ đã được bàn luận, đề xuất trong các phần khác nhau của Đề tài.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17280/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 1044
Tổng lượt truy cập: 4.042.514
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!