Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 01-07-2022

Phát triển và ứng dụng công nghệ vệ tinh để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Ngày 30/6, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Đề xuất kế hoạch và lộ trình tăng cường năng lực quốc gia về quan sát trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ". 

Tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là ứng dụng rộng rãi thành tựu của KH&CN vũ trụ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực có liên quan đến quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, giám sát và hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, cung cấp đa dạng dịch vụ cho người dân; nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước, góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội và bảo đảm các lợi ích quốc gia khác.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết, trong Chiến lược này, Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhiệm vụ xây dựng và triển khai "Đề án Tăng cường năng lực Quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao bằng công nghệ cảm biến quang học, radar, kết hợp với thiết bị bay không người lái" để từng bước thực hiện các mục tiêu. 

Trong hơn 6 tháng qua, VNSC đã phối hợp với nhóm tư vấn của Nhật Bản, các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để khảo sát về nhu cầu dữ liệu ảnh vệ tinh, năng lực khai thác dữ liệu vệ tinh, cũng như khả năng – nhu cầu tham gia vào quá trình phát triển vệ tinh tại Việt Nam.

Đây là nguồn tài liệu quý báu để VNSC hoàn thiện nội dung báo cáo lên Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo tiền khả thi của Đề án.

Tại Hội thảo, các chuyên gia của Nhật Bản đánh giá, với việc tận dụng các thành quả phát triển KH&CN vũ trụ, Việt Nam đã đặt nền tảng cho chiến lược vũ trụ mới nhất để góp phần phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, bảo đảm lợi ích quốc gia, cũng chính là phát triển kinh tế-xã hội.

Trước xu hướng chùm vệ tinh đang diễn ra trên toàn cầu, việc phát triển vệ tinh và tận dụng dữ liệu vệ tinh theo chùm nên được thúc đẩy. Các lợi thế tiềm năng của chùm vệ tinh có thể kể đến như chi phí phát triển và phóng vệ tinh thấp hơn, dịch vụ cung cấp bởi chùm vệ tinh được diễn ra liên tục…

Về công nghệ, có thể tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu quang/SAR, AIS/VDES, định vị/dẫn đường và từ các chùm vệ tinh khác, kết hợp với các cảm biến IoT trên mặt đất hay UAV/Drone phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng theo các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để mở rộng các ứng dụng từ các công nghệ vệ tinh mới ra khu vực ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, sự kết hợp tốt nhất giữa các cơ sở hạ tầng dưới mặt đất cũng như các vệ tinh của Việt Nam với công nghệ và dịch vụ từ các nước phát triển khác là điều vô cùng quan trọng.

Nhờ đó, Việt Nam có thể nhanh chóng xác nhận biến đổi khí hậu, thiên tai và các cơ sở hạ tầng dễ tổn thương bằng công nghệ vũ trụ và dữ liệu mặt đất; cung cấp các giải pháp thông minh cho nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp bằng các hệ thống xanh với công nghệ địa không gian; bảo đảm tự do và minh bạch đối với các phương tiện biển và các đối tượng khác trong các hoạt động hàng hải bằng chùm vệ tinh…

Trao đổi thêm với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc VNSC cho biết, việc phát triển dòng vệ tinh nào, lộ trình ra sao được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với nhu cầu và năng lực của Việt Nam.

Ngoài công nghệ, nguồn kinh phí, nguồn vốn cũng là vấn đề khó khăn của Việt Nam. Các nguồn ODA hay ngân sách nhà nước hạn hẹp, do đó phải xã hội hóa, tìm kiếm đầu tư từ các doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp nhìn thấy ứng dụng đó khả thi, đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp.

Hiện nay, tại các nước châu Âu, Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã phát triển vệ tinh và cả ứng dụng từ công nghệ vệ tinh. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn vắng bóng các doanh nghiệp tham gia.

https://baochinhphu.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 3
Hôm nay: 33
Tổng lượt truy cập: 4.042.600
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!