Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị phục vụ đào tạo về IoT
Kết quả khảo sát một số chương trình đào tạo về IoT ở những trường hàng đầu ở TP.HCM cho thấy hiện nay chưa có đơn vị nào trong nước thực hiện nghiên cứu chế tạo và cung cấp cho thị trường sản phẩm về hệ thống IoT cho đào tạo. Các chương trình đào tạo về IoT chứa đầy đủ các nội dung đào tạo cơ bản và ứng dụng. Lĩnh vực đào tạo khá rộng và có tính liên ngành như: lĩnh vực thiết bị nhúng, cảm biến, tự động hóa, mạng viễn thông, lập trình, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây, bảo mật… Đây cũng là một khó khăn khi giao môn học cho một đơn vị quản lý. Có nơi môn học IoT được đặt tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính (Đại học Bách khoa TP.HCM), hay đặt tại Bộ môn Kỹ thuật Máy tính và Viễn thông (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM). Cũng có nơi, môn học IoT được giao cho Bộ môn viễn thông hay Khoa Công nghệ thông tin. Về phần thực hành, có một số trường triển khai thực hành về IoT cơ sở trên một số KIT nhập ngoại hoặc tự chế theo dạng tích hợp các module có sẵn trên thị trường.
Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công thương, do TS. Nguyễn Viết Thắng đứng đầu, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị phục vụ đào tạo về IoT”. Mục tiêu của đề tài là xây dựng một mô hình đào tạo cơ bản về IoT với hướng ứng dụng công nghiệp, mà hiện nay thị trường trong nước hầu hết hướng tới như nhà thông minh, thành phố thông minh…
KIT thực hành cơ bản IoT-G
KIT cảm biến IoT-S
Sau một năm thực hiện, Đề tài đã đạt được các kết quả chính như sau:
Mô hình được thiết kế chế tạo là IoT-T01-Vielina bao gồm: KIT gateway IoT-G, các KIT cảm biến IoT-S. Trên các KIT có gắn các giao diện truyền thông WiFi, Zigbee, Bluetooth, Lora. 3G/GPRS, cho phép kết nối không dây các KIT với nhau và với máy tính. KIT IoT-S chứa 5 loại cảm biến gồm: nhiệt độ - độ ẩm, áp suất, trọng lượng, ánh sáng và mưa.
Hệ thống được cung cấp 23 bài thực hành, bao gồm các bài về khảo sát, vận hành hệ thống, các bài thực hành về đo lường cảm biến IoT, kết nối hệ thống với điện toán đám mây và thực hành điều khiển mở rộng. Sản phẩm sau đó đã được thử nghiệm tại một cơ sở đào tạo cho kết quả tốt.
Với những kết quả thu được của đề tài, Cơ quan chủ trì đề tài và nhóm thực hiện đề tài đề xuất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ để hoàn thiện các sản phẩm hiện có, đáp ứng toàn diện hơn yêu cầu thực tế của các đơn vị có nhu cầu sử dụng, nhằm đưa sản phẩm đến với thị trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17184/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/