Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tự động giám sát trạm quạt thông gió chính trong khai thác hầm lò
Giải pháp cho vấn đề thông gió mỏ của các công ty than khai thác hầm lò là lắp đặt các trạm quạt gió chính. Để các trạm quạt đảm bảo hoạt động điều tiết lưu lượng gió trong hầm lò một cách liên tục, đồng nghĩa động cơ của trạm quạt phải luôn được theo dõi các thông số như lưu lượng gió, áp lực trong đường ống, độ rung, nhiệt độ vòng bi hay cuộn dây stato, dòng điện và điện áp của động cơ. Tuy nhiên, do chưa được trang bị các thiết bị giám sát nên các công ty khai thác hầm lò gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi tình trạng của động cơ để kịp thời bảo trì, bảo dưỡng làm tăng tuổi thọ động cơ, hay theo dõi lưu lượng gió sạch cung cấp cho mỏ.
Trước nhu cầu cấp thiết này, nhóm nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, trực thuộc Bộ Công thương, do ThS. Đinh Đức Tùng đứng đầu, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tự động giám sát trạm quạt thông gió chính trong khai thác hầm lò”. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống tự động giám sát trạm quạt gió chính ứng dụng trong khai thác than hầm lò và thử nghiệm thành công hệ thống tự động giám sát trạm quạt thông gió chính trong khai thác than hầm lò.
Sau một thời gian tập trung nghiên cứu, đề tài đã đạt được các mục tiêu đề ra với các sản phẩm chính bao gồm: 01 Tủ giám sát VIELINA-DKG.01; Hệ thống tự động giám sát trạm quạt thông gió chính trong khai thác than hầm lò; Bộ tài liệu kỹ thuật tủ giám sát VIELINA-DKG.01; Bộ phần mềm tự động giám sát; bộ tài liệu hướng dẫn vận hành, lắp đặt hệ thống.
Sơ đồ khối hệ thống tự động giám sát trạm quạt
Theo kết quả tự đánh giá của nhóm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên, một hệ thống tự động giám sát trạm quạt gió chính trong khai thác than hầm lò được nghiên cứu thiết kế và chế tạo tại Việt Nam, cho phép quản lý giám sát từ xa tại phòng điều hành trung tâm, ngoài ra hệ thống hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ điều hành sản xuất hay bảo trì trạm quạt gió chính.
Từ kết quả nghiên cứu đạt được, nhóm nghiên cứu đưa ra định hướng phát triển tiếp theo là mở rộng và tích hợp thành hệ thống tự động điều khiển, giám sát trạm quạt thông gió chính trong khai thác than hầm lò để có thể tiến tới tự động hóa hoàn toàn và trạm có thể không cần bố trí người trực thường xuyên.
Nhóm nghiên cứu đề xuất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép tiếp tục nghiên cứu dưới dạng dự án sản xuất thử nghiệm và nhân rộng sản phẩm của đề tài này trong thực tiễn, góp phần hiện đại hóa trong công tác vận hành, điều khiển, giám sát tăng sự an toàn lao động trong khai thác than Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17181/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/