Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 22-08-2022

Sản xuất thử nghiệm giống sắn KM7 tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Việt Nam là nước đứng ở vị trí 12 trên thế giới về diện tích trồng sắn và trong nước có sản lượng đứng thứ ba (sau lúa và mía), với diện tích năm 2018 khoảng 515,3 nghìn ha, sản lượng đạt 9.960,3 nghìn tấn. Hiện tại trong nước có 120 nhà máy sản xuất tinh bột sắn quy mô công nghiệp và 07 nhà máy chế biến cồn với hàng trăm doanh nghiệp thương mại sắn. Sắn lát và tinh bột sắn hiện là một trong mười mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam và đứng thứ hai trên thế giới. Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn của Việt Nam đạt 257,99 nghìn tấn, trị giá 55,3 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 214,4 USD/tấn.

Trong năm 2019 tại các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có diện tích trồng sắn khoảng 264.400 ha, tăng hơn năm 2018 là 17.363 ha. Năng suất bình quân năm 2018 đạt 18,29 tấn/ha, so với năm 2015 năng suất tăng không đáng kể (+0,14 tấn/ha). Một trong những nguyên nhân làm hạn chế năng suất sắn ở vùng là do bộ giống sắn phổ biến trong sản xuất chủ yếu giống KM94 chiếm 75,5% hiện đang nhiễm nặng bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá do virus, rệp sáp bột hồng... Mặt khác, đa số người trồng sắn chưa chú trọng nhiều đến giải pháp kỹ thuật tăng năng suất như thay đổi trồng giống sắn mới, mật độ trồng, liều lượng và chủng loại phân bón phù hợp cho từng chân đất và tiểu vùng sinh thái cụ thể. Giống sắn KM7 có TGST trung bình (9-10 tháng), ít hoặc không phân cành nên có thể trồng ở mật độ dày, khả năng chịu hạn tốt, chưa phát hiện thấy có triệu chứng nhiễm bệnh chổi rồng và bệnh khảm lá. Thân cây to, khỏe, thích ứng nhiều chân đất ở các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Giống KM7 đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận theo Quyết định 462/QĐ-TT-CLT ngày 02/11/2016 của Cục Trồng trọt. Vì vậy, ngoài việc có giống sắn tốt, kết hợp nghiên cứu thời vụ, mật độ trồng và liều lượng phân bón để hoàn thiện quy trình cho từng vùng trồng là cần thiết để sớm phát triển mở rộng sản xuất, giảm dần diện tích trồng giống KM94 đang nguy cơ nhiễm nặng các đối tượng sâu bệnh hại chính gây nhiều tổn thất cho người trồng sắn.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thanh Phương thực hiện đề tài “Sản xuất thử nghiệm giống sắn KM7 tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên” với mục tiêu: Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân nhanh và quy trình thâm canh giống sắn mới KM7 tại các vùng sinh thái duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; Chuyển giao giống, quy trình kỹ thuật; giới thiệu mô hình trình diễn sản xuất giống sắn mới KM7 có năng suất cao, góp phần công nhận giống mới tại vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Sắn là một loại cây trồng giàu carbohydrate và được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn gia súc, nguyên liệu trong nhà máy và nhiên liệu. Hiện tại, sắn xếp ở vị trí thứ 5 về số lượng tiêu thụ, sau lúa mì, ngô, gạo và khoai tây.

Các sản phẩm từ sắn có lợi thế giá cả thấp hơn các loại cây giàu carbohydrate khác. Do đó, điều này có xu hướng tăng nhu cầu về tiêu thụ trong ngành chăn nuôi như sử dụng làm thức ăn, trong ngành công nghiệp (sản xuất rượu, citricaxit, quần áo, y học, giấy và keo) và dưới hình thức ethanol, làm nhiên liệu được sử dụng trong năng lượng thay thế.

Các quốc gia tiêu thụ sắn lớn nhất là Nigeria, Trung Quốc, Inđônêxia và Brazil, chiếm lần lượt là 20%, 13%, 9% và 8% lượng tiêu thụ toàn cầu tương ứng. Sản xuất tại Thái Lan đã mở rộng liên tục qua hai thập kỷ qua khi nhu cầu chế biến sắn công nghiệp ở thị trường xuất khẩu tăng nhanh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 6 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc đạt 3,28 triệu tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn từ Việt Nam và Thái Lan, trong khi lại tăng nhập khẩu từ Campuchia và Lào.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

(1) Hoàn thiện được 3 quy trình gồm: Quy trình nhân nhanh giống sắn KM7, quy trình thâm canh giống sắn KM7 cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên:

- Quy trình kỹ thuật nhân nhanh giống sắn KM7 với các biện pháp bổ sung và thay thế là: Thời vụ trồng vào khoảng ngày 15/01 khi hết mưa và đất đủ ẩm và vùng Tây Nguyên từ 15/3 đến 15/4, mật độ trồng 14.300 hom/ha (khoảng cách 1m x 0,7m), phân bón 5 tấn phân chuồng + 100 N + 70 P2O5 + 100 K2O (hoặc 120 N + 90 P2O5 + 120 K2O nếu đất xấu), thu hoạch hom giống cùng lúc với thu hoạch củ (9-10 tháng sau trồng). Với các biện pháp trên, đã nhân được 116.157 hom/ha và kết hợp thu được củ sắn tươi với năng suất 34,0 tấn/ha

- Quy trình thâm canh giống sắn KM7 cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ với các biện pháp bổ sung và thay thế là: Mật độ 12.500 hom/ha (khoảng cách 1m x 0,8m), trường hợp nơi đất xấu có thể trồng 14.300 hom/ha (khoảng cách 1m x 0,7m); phân bón 80 N + 50 P2O5 + 80 K2O + 5 tấn phân chuồng (hoặc vùng không có phân chuồng thì bón 120 N + 90 P2O5 + 120 K2O). Với các biện pháp trên năng suất bình quân đạt 35,06 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt 28,1%.

- Quy trình thâm canh giống sắn KM7 cho vùng Tây Nguyên với các biện pháp bổ sung và thay thế là: Mật độ 12.500 hom/ha (khoảng cách 1m x 0,8m), phân bón 120 N + 90 P2O5 + 120 K2O. Với các biện pháp trên năng suất bình quân 39,7 tấn/ha (dao động từ 37,4-42,0 tấn/ha), hàm lượng tinh bột đạt 29,4%.

(2) Trong kỳ dự án đã sản xuất được 2.861.089 hom giống sắn KM7 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo QCVN 01-61: 2011/BNNPTNT.

(3) Xây dựng được 4 mô hình thâm canh kết hợp nhân giống sắn, quy mô 7,0 ha/ mô hình, năng suất củ tươi đạt từ 35,28-41,40 tấn/ha (bình quân đạt 37,39 tấn/ha), tăng từ 7,6-11,0% (bình quân tăng 9,3%) và so với mục tiêu năng suất vượt 7%. Hàm lượng tinh bột từ 28,9-30,3% (bình quân đạt 29,6%), tăng từ 0,3-0,4% so với giống KM94 và hệ số nhân hom đạt 8,2 lần. Tổng số hom thu được 2.861.089 hom (đạt 143,1%).

(4) Tổ chức 4 lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật nhân nhanh hom sắn và thâm canh sản xuất sắn KM7 cho 120 cán bộ, nông dân.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17508/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 4
Hôm nay: 411
Tổng lượt truy cập: 4.041.881
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!