Chi tiết tin - Sở Khoa học và Công nghệ

 

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai
Tin tức - Sự kiện: Kết quả nghiên cứu triển khai

Ngày đăng: 12-09-2022

Thị trường đích, phương thức quản trị và nâng cấp chuỗi giá trị: trường hợp ngành hàng gạo và thủy sản ở Việt Nam

Các thị trường thu nhập cao thường yêu cầu các tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng sản phẩm lương thực, thực phẩm; sức khỏe và an toàn; đồng thời cũng đòi hỏi sự đa dạng sản phẩm và tốc độ đổi mới sản phẩm nhanh hơn. Ngoài ra, chính phủ các quốc gia này cũng sử dụng các tiêu chuẩn để kiểm soát thương mại về hàng lương thực, thực phẩm. Các tiêu chuẩn được áp dụng bao hàm nhiều vấn đề như điều kiện làm việc, sức khỏe và an toàn, quy trình quản lý chất lượng, và tác động môi trường. Hiện nay, các tiêu chuẩn ngày càng trở nên quan trọng trong việc tiếp cận các kênh phân phối, và có khả năng ảnh hưởng đến các quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Các tiêu chuẩn trở thành những hàng rào phi thuế quan mới đối với các nhà sản xuất ở các quốc gia đang phát triển khi tham gia vào thị trường các nước phát triển.

Do ảnh hưởng của nhu cầu khách hàng và các tiêu chuẩn, các nhà sản xuất, đặc biệt là từ các quốc gia đang phát triển đã nâng cấp năng lực của mình như nâng cấp sản phẩm và quy trình sản xuất để tiếp cận các thị trường này.

Hầu hết các lý thuyết về chuỗi giá trị tập trung vào nâng cấp như một phương tiện để nâng cao khả năng cạnh tranh để tạo ra tăng trưởng thu nhập bền vững. Nâng cấp trong chuỗi giá trị là: “tạo ra sản phẩm tốt hơn, hiệu quả hơn hoặc chuyển sang các lĩnh vực yêu cầu kỹ năng cao hơn” (Humphrey and Schmitz, 2002: 18). Nói cách khác, nâng cấp trong chuỗi giá trị liên quan đến quá trình giúp các doanh nghiệp có thể tham gia vào các chức năng tạo ra giá trị cao trong chuỗi, di chuyển khỏi các hoạt động có giá trị gia tăng thấp và do đó tạo ra lợi nhuận lớn hơn.

Suy thoái kinh tế từ năm 2008 đã gây ra nhiều tác động tới chuỗi giá trị ngành hàng toàn cầu nói chung và các ngành hàng nông sản nói riêng. Trong nhiều ngành hàng, sự suy giảm nhu cầu các sản phẩm chất lượng cao từ các quốc gia có thu nhập cao là nguyên nhân dẫn đến việc tổ chức lại chuỗi giá trị toàn cầu, theo đó thị trường đích của các mặt hàng nông sản đang chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia chi phối châu Á. Ngoài ra, sự sụt giảm nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao từ các nước có thu nhập cao (Mỹ, EU, Nhật Bản…) do kinh tế suy thoái dẫn dến dự thay đổi thị trường đích của các nhà sản xuất từ các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp hơn. Xuất khẩu sang các quốc gia mới nổi chiếm một tỷ trọng lớn và ngày càng tăng nhanh.

Việc tham gia vào các thị trường đích khác nhau đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi các tiêu chuẩn để phù hợp với các yêu cầu cụ thể của từng thị trường. Các thị trường thu nhập thấp có yêu cầu thấp hơn về tiêu chuẩn sản phẩm (như các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về chất lượng) và tiêu chuẩn quy trình (như ISO 9000, HACCP, FSC) thấp để có chi phí thấp. Quá trình hạ thấp tiêu chuẩn sản phẩm và quy trình để có chi phí thấp hơn được gọi là hạ cấp, quá trình ngược lại với quá trình nâng cấp trong chuỗi giá trị. Kết quả là, các công ty lãnh đạo trong các chuỗi giá trị tham gia vào các thị trường thu nhập thấp phải tổ chức lại và thay đổi phương thức quản trị chuỗi giá trị của họ để đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu thị trường và các tiêu chuẩn.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn thực hiện nghiên cứu “Thị trường đích, phương thức quản trị và nâng cấp chuỗi giá trị: trường hợp ngành hàng gạo và thủy sản ở Việt Nam” với mục tiêu: Nghiên cứu kỳ vọng sẽ có những đóng góp vào tranh luận về thị trường đích ảnh hưởng như thế nào tới phương thức quản trị chuỗi giá trị và khả năng nâng cấp. Nghiên cứu chỉ ra các thị trường đích sẽ ảnh hưởng như thế nào tới phương thức quản trị chuỗi giá trị và khả năng nâng cấp đối với chuỗi giá trị gạo và tôm ở Việt Nam.

Đối với mặt hàng lúa gạo, nghiên cứu này chỉ tập trung vào hai chuỗi giá trị gạo tại Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, hai vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất tại Việt Nam. Đây cũng là hai vùng đại diện cho hai phương thức canh tác, chế biến và buôn bán đặc trưng của cả nước. Đối với mặt hàng này, nghiên cứu sẽ tập trung vào nghiên cứu hai chuỗi giá trị điển hình: 1 chuỗi giá trị xuất khẩu gạo sang Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ do công ty Thành Tín (trụ sở tại Sóc Trăng) điều phối; và 1 là chuỗi giá trị xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc do công ty Hưng Cúc (trụ sở tại Thái Bình) điều phối.

Đối với mặt hàng tôm, nghiên cứu cũng tập trung vào hai chuỗi giá trị tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Hai chuỗi giá trị được lựa chọn để phân tích bao gồm: chuỗi giá trị tôm xuất khẩu sang EU, Mỹ, và Nhật do công ty Cổ phần Sao Ta (doanh nghiệp đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu tôm tại Việt Nam) điều phối; và 1 chuỗi giá trị xuất khẩu tôm tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Nghiên cứu tập trung vào các mối quan hệ trong giao dịch chứ không phải là bản thân các giao dịch này. Quan hệ giao dịch giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu gạo và tôm sẽ được chọn để nghiên cứu.

Mặc dù chuỗi giá trị bao gồm rất nhiều các tác nhân tham gia vào các mối liên kết khác nhau trong chuỗi, nhưng nghiên cứu này chỉ tập trung vào phương thức quản trị giao dịch giữa doanh nghiệp điều phối với các nhà cung ứng cấp 1 của hai chuỗi giá trị gạo và tôm: giữa doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà cung cấp cấp 1 của họ vì các lý do sau: (i) Phương thức quản trị của bất kỳ chuỗi giá trị nào cũng được hiểu rõ nhất khi tập trung vào liên kết kinh doanh cụ thể trong chuỗi; và (ii) Trong chuỗi giá trị gạo và tôm của Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu là các doanh nghiệp chính trong chuỗi và có vai trò điều phối chuỗi, và có ảnh hưởng tới hoạt động của toàn bộ thị trường lúa gạo và tôm. Ngoài ra, để hiểu được của các khâu khác dọc của chuỗi giá trị có ảnh hưởng như thế nào tới mối quan hệ giữa nhà chế biến và nhà cung cấp, nghiên cứu này sẽ đi phân tích cấu trúc chuỗi giá trị và các đặc điểm của các tác nhân khác nhau tham gia vào chuỗi giá trị. Trong thực tế, động cơ thúc đẩy mối quan hệ liên doanh giữa hai tác nhân giao dịch trong cùng một khâu của chuỗi giá trị có thể có nguồn gốc sâu xa từ các khâu khác trong chuỗi (Hobbs và Young, 2000; Wathne và Heide, 2004).

Nội dung của đề tài đã đưa ra những thảo luận về mối quan hệ giữa các thị trường đích sẽ ảnh hưởng như thế nào tới phương thức quản trị chuỗi giá trị và khả năng nâng cấp dựa trên so sánh kết quả của các nghiên cứu trước đây với kết quả 4 nghiên cứu điển hình đối với chuỗi giá trị gạo và tôm ở Việt Nam. Đồng thời, chương này cũng đưa ra hàm ý chính sách của chính phủ liên quan tới chính sách thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị và chính sách thúc đẩy nâng cấp, đổi mới trong chuỗi giá trị nhằm đạt được giá trị gia tăng cao hơn.

Các thị trường đích khác nhau có các yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm và quy trình sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng để tham gia vào thị trường. Lý thuyết về quản trị và nâng cấp trong chuỗi giá trị cho rằng, việc thay đổi các thị trường đích dẫn đến thay đổi đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi các tiêu chuẩn để phù hợp với các yêu cầu cụ thể của từng thị trường. Việc áp dụng các tiêu chuẩn mới (nâng cấp) ảnh hưởng tới việc lựa chọn phương thức quản trị để điều phối các giao dịch trong chuỗi giá trị.

Các lý thuyết về chuỗi giá trị cho rằng việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tạo cơ hội nâng cấp cho các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tại các nước đang phát triển cho thấy, cơ hội nâng cấp tại các nước này chủ yếu giới hạn trong nâng cấp về sản phẩm và quy trình sản xuất; nâng cấp về chức năng hiếm khi thành công. Việc tham gia vào chuỗi toàn cầu khiến cho doanh nghiệp ở các nước đang phát triển bị phụ thuộc vào các mối quan hệ với doanh nghiệp lãnh đạo chuỗi. Các doanh nghiệp lãnh đạo cản trở doanh nghiệp phụ thuộc nâng cấp chức năng do ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lãnh đạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp lãnh đạo khuyến khích các nhà cung ứng thực hiện nâng cấp quy trình và sản phẩm để nâng cao hiệu quả của toàn chuỗi.

Nghiên cứu 4 trường hợp điển hình trong 2 ngành hàng lúa gạo và tôm ở Việt Nam cho thấy, Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tôm và gạo với các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm sơ chế. Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu gạo và tôm, đồng thời cũng chưa tham gia vào các khâu bán buôn, bán lẻ hai sản phẩm này ở thị trường quốc tế.

Tương tự như kinh nghiệm của các nước đang phát triển khác, nâng cấp trong 4 chuỗi giá trị nghiên cứu điển hình chỉ gồm nâng cấp sản phẩm và nâng cấp quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường thu nhập cao, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, ATTP, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nâng cấp quy trình chế biến, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng cũng như các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm của công ty đáp ứng các yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, để đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường, công ty áp dụng phương thức quản trị “hợp đồng quản lý sản xuất”, “hợp đồng thu mua” và “hợp nhất”. Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn sử dụng phương thức “quản trị thị trường” để thu mua nguyên liệu nhưng để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, ATTP, doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu phải đầu tư cho bộ phận kiểm tra và tốn chi phí cao cho khâu kiểm tra nguyên liệu đầu vào.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17521/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

https://vista.gov.vn/
 

Tin khác

LỊCH CÔNG TÁC TUẦN

Chuyển giao quy trình và nhân rộng công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị dược liệu, nông sản địa phương

Thống kê truy cập
Số người online: 5
Hôm nay: 1416
Tổng lượt truy cập: 4.041.229
© TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chịu trách nhiệm: Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Địa chỉ: 204 Hùng Vương, Đông Hà; ĐT: 0233.3550 382. Email: sokhcn@quangtri.gov.vn
Đơn vị vận hành: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ghi rõ nguồn https://sokhcn.quangtri.gov.vn/ khi sử dụng thông tin từ website này!