Xây dựng các phương pháp xác định (định tính và định lượng) sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen đạt Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC17025
Ở nước ta, cùng với việc mở rộng sản xuất cây trồng biến đổi gen (GM) là việc phải nhập khẩu ngô và đậu tương từ các nước phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước. Kéo theo đó là các loại thực phẩm được chế biến từ sản phẩm của cây trồng biến đổi gen đã xuất hiện trong nhiều mặt hàng có sử dụng ngô, đậu tương làm nguyên liệu trên thị trường. Song song với phát triển, Việt Nam đã xây dựng hàng rào pháp lý, có cơ chế quản lý giám sát, có quy định về ngưỡng dán nhãn đối với thực phẩm có sử dụng cây trồng và sản phẩm của cây trồng biến đổi gen. Cho đến nay, hơn 40 nước đã ban hành các quy định ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen với các mức độ và ngưỡng khác nhau (0,9 % - EU; 3 % - Hàn Quốc và 5 % - Nhật Bản, Việt Nam...). Yêu cầu dán nhãn bắt buộc được xác định đối với thực phẩm biến đổi gen khác so với thực phẩm truyền thống, mang những đặc tính mới, với mục đích thông báo cho người tiêu dùng các đặc tính mới và các thành phần của sản phẩm thực phẩm.
Lĩnh vực phân tích thử nghiệm sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 là lĩnh vực mới. Để góp phần giải quyết các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, việc xây dựng bộ quy trình và phương pháp xác định (định lượng, định tính) sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen là cần thiết. Chính vì thế, PGS. TS. Lưu Minh Cúc đã phối hợp với các cộng sự tại Viện di truyền nông nghiệp đã thực hiện đề tài: “Xây dựng các phương pháp xác định (định tính và định lượng) sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen đạt Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC17025” trong thời gian từ 2017 đến năm 2019.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng được bộ quy trình và phương pháp xác định (định lượng, định tính) sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen được các tổ chức kiểm chứng, chứng nhận đạt chuẩn ISO17025.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Đã xây dựng được 40 phương pháp xác định (định lượng, định tính) sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen được các tổ chức kiểm chứng, chứng nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025, bao gồm các phương pháp chuẩn xác định (định lượng, định tính) đặc hiệu cho 16 sự kiện ngô, 12 sự kiện đậu tương, 10 nhân tố sàng lọc. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã xây dựng phương pháp phát hiện gạo và phát hiện đu đủ biến đổi gen, vượt 2 chỉ tiêu so với đăng ký. Các phương pháp đã xác định và công bố giới hạn phát hiện (LOD) là 0,1%; giới hạn định lượng (LOQ) là 0,1%.
- Quy trình lấy mẫu thực địa và quy trình thực hành phòng thí nghiệm để xác định sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen được xây dựng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, được xây dựng dựa trên thực tế thực hiện đề tài và kết quả thực hiện đề tài, đã được nghiệm thu cấp cơ sở.
- Đã tiến hành phân tích 502 mẫu thí nghiệm, trong đó có 186 mẫu dương tính với các yếu tố sàng lọc 35S, Tnos, Bar, Pat, FMV, CTP2-CP4EPSPS, NPTII, Cry1Ab và 381 lượt định lượng đã được thực hiện, cho 270 kết quả định lượng và 111 kết quả vi vết (DV), với các sự kiện 35S, NK603, M0N89034, MON810, GTS40-3-2, GA21, BT11, TC1507, MON89788… theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025. Các kết quả phân tích theo quy trình của phòng có độ tin cậy đạt 99%.
- Quy trình vận hành phòng kiểm định GMO cấp ngành được xây dựng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế ISO17025, đã được kiểm chứng thông qua việc được công nhận ISO/IEC 17025 phiên bản 2017, đã được nghiệm thu cấp cơ sở. Quy trình vận hành kiểm định GMO cấp ngành bao gồm cả việc tham gia So sánh liên phòng quốc tế hàng năm (EU, FAPAS) và tổ chức so sánh liên phòng trong - ngoài nước (Malaysia, Quatest 3), các kết quả của PTN của Viện đều đạt yêu cầu.
Phòng kiểm định GMO đã được Bộ chỉ định là phòng kiểm định sinh vật biến đổi gen và sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen (định lượng/định tính) LASNN34. Phòng thử nghiệm đã được đánh giá đạt tiêu chuẩn ISO17025:2017, VILAS 926, với 40 chỉ tiêu phương pháp được công nhận trên các đối tượng ngô, đậu tương, gạo, đu đủ.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17721/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/