Nghiên cứu đề xuất áp dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) trong phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam
Giao diện lập trình ứng dụng (API) là phương thức để trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Số lượng các dịch vụ phần mềm đã gia tăng đột biến và làn sóng áp dụng API vào việc cung cấp các tính năng quan trọng cho các phần mềm, ứng dụng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Chính phủ các nước trên thế giới cũng áp dụng API hiệu quả trong việc chia sẻ dữ liệu, tăng mức độ hài lòng khi cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện tại, việc kết nối, tích hợp để chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước đang trong giai đoạn phát triển. Rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã và đang thực hiện việc kết nối các hệ thống thông tin với nhau nhằm mục đích chia sẻ thông tin, dữ liệu, phục vụ các quy trình nghiệp vụ và cung cấp các dịch vụ công thuận tiện cho 8 người dân, doanh nghiệp. Có thể kể đến việc kết nối mạng thông tin giữa hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước tại các bộ/địa phương và hệ thống thông tin của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thông qua hệ thống NGSP phục vụ triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg; kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước tại các tỉnh/thành phố với phân hệ Khai sinh điện tử thuộc Hệ thống Quản lý hộ tịch điện tử (của Bộ Tư pháp); kết nối thông tin giữa hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước tại các tỉnh/thành phố với hệ thống thông tin lý lịch tư pháp… Mỗi một hệ thống lại có một tập các API khác nhau, phục vụ các nghiệp vụ khác nhau, cần sự phối hợp tích cực của các bên liên quan. Kết quả là việc kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, triển khai còn chậm trễ.
Việt Nam hiện chưa có chính sách, văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về xây dựng, sử dụng API trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu về API trong phát triển Chính phủ điện tử và đề xuất việc áp dụng tại Việt Nam là rất cần thiết để bổ sung mới vào hệ thống văn bản hướng dẫn kỹ thuật về API trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Vì thế, năm 2020, nhóm nghiên cứu của ThS. Mai Thanh Hải tại Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất áp dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) trong phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam”.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: nghiên cứu về API áp dụng cho triển khai Chính phủ điện tử trên thế giới, để từ đó đề xuất dự thảo văn bản hướng dẫn, quy định về xây dựng, sử dụng API trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Đề tài đã thu được một số kết quả như sau:
- Nghiên cứu việc xây dựng, áp dụng API trong phát triển Chính phủ điện tử của một số nước trên thế giới, cùng với hiện trạng tiêu chuẩn hóa và hướng dẫn về API trong phát triển Chính phủ điện tử của một số nước trên thế giới;
- Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng sử dụng API của một số Cơ sở dữ liệu quốc gia trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam;
- Nghiên cứu API của một số hãng phổ biến trên thế giới (IBM, Oracle, Google…);
- Nghiên cứu đề xuất các nguyên tắc thiết kế và các đặc tính kỹ thuật chính của API trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam;
- Nghiên cứu đề xuất Quản lý vòng đời API đảm bảo an toàn thông tin API trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam; từ đó, nghiên cứu đề xuất danh mục các Tiêu chuẩn về bảo mật cho API trong phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam;
Nhóm đề tài cũng đã dự thảo văn bản của Cục Tin học hóa hướng dẫn cơ bản về API, bao gồm các khái niệm, các nguyên tắc và tập các tiêu chuẩn về bảo mật để hướng dẫn các cơ quan chính phủ trong việc phát triển về API.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18145/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/