Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp triển khai có hiệu quả QCVN: 01/2017/BCT phù hợp với thực tế Việt Nam và xu thế hội nhập Quốc tế
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mà trong quá trình sản xuất có sử dụng nhiều các loại hóa chất, thuốc nhuộm để gia công, xử lý, tạo ra các tính năng có giá trị gia tăng cao: về thẩm mỹ và tính năng sử dụng cho sản phẩm dệt may. Trong quá trình gia công xử lý, bên cạnh một số hóa chất thuốc nhuộm còn tồn dư lại trên vải, một lượng lớn hóa chất, thuốc nhuộm được lưu giữ trong dung dịch và bị thải bỏ ra môi trường gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường. Vì vậy, sản phẩm dệt may là một trong số những nhóm sản phẩm nhạy cảm, được Chính phủ và các thương hiệu quan tâm kiểm soát tại nhiều nước, đặc biệt là các nước có thị phần nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Cùng với các quy định pháp lý của các quốc gia, các nhà bán lẻ, các thương hiệu và nhà phân phối lớn trên thế giới đều đưa ra các quy định tuân thủ an toàn sản phẩm trong đó có sản phẩm dệt may. Các quy định của các nhà bán lẻ, các thương hiệu thường thể hiện thông qua các sổ tay quản lý chất lượng, danh sách các chất hạn chế trong sản phẩm (RSL), theo đó các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm trong chuỗi cung ứng đều phải tuân thủ.
Ngày 31/10/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 21/2017/BCT kèm theo QCVN: 01/2017/BCT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Quy chuẩn có hiệu lực chính thức từ ngày 01/01/2019. Đây là quy chuẩn mới ban hành lần đầu và có phạm vi ảnh hưởng khá rộng đến rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất, phân phối. Việc tổ chức triển khai thực hiện chưa có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các Cơ quan quản lý như các sở Công Thương, các tổ chức đánh giá sự phù hợp với doanh nghiệp, tồn tại một số ý kiến trái chiều giữa các bên và báo chí, gây hiểu chưa đúng về sự cần thiết phải thực hiện quy chuẩn.
Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá toàn diện tình hình thực hiện, tuân thủ quy chuẩn, thực trạng thưc hiện, đánh giá các rủi ro, xem xét các điểm cần khắc phục để có thể hướng dẫn cụ thể việc thực hiện, kiểm tra và kiểm soát, cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể cho việc thực hiện quy chuẩn đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng, phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế là một yêu cầu rất cấp thiết hiện nay. Trước yêu cầu thực tế như vậy, Cơ quan chủ trì Công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt May cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Bùi Thị Thanh Trúc thực hiện “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp triển khai có hiệu quả QCVN:01/2017/BCT phù hợp với thực tế Việt Nam và xu thế hội nhập Quốc tế” với mục tiêu: Đề xuất được các giải pháp triển khai có hiệu quả QCVN01:2017/BCT phù hợp với thực tế Việt Nam và xu thế hội nhập Quốc tế trong giai đoạn tới.
Thuốc nhuộm Azo là nhóm thuốc nhuộm tổng hợp lớn nhất, đặc trưng bởi có một hoặc nhiều nhóm “azo” (-N = N-) trong cấu trúc của chúng. Được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp dệt may vì chúng thuộc nhóm thuốc nhuộm chính, chiếm hơn 70% lượng thuốc nhuộm sử dụng để tạo màu cho các mặt hàng dệt may, da, mỹ phẩm, thực phẩm... Có khoảng 5% các thuốc nhuộm Azo, trong các điều kiện khử có thể tách ra các amin thơm, trong đó có 24 amin thơm đã được chứng minh là có khả năng gây ung thư cho người.
Arylamines là một nhóm các hợp chất tổng hợp đặc trưng có nhóm amin (- NH2) liên kết trực tiếp với một vòng thơm (Ar-NH2). Mặc dù không được sử dụng trực tiếp trong các ngành công nghiệp dệt may và da, chúng được sử dụng trong quá trình tổng hợp, sản xuất một số sản phẩm dẫn xuất như: các chất gắn kết, chất xúc tác và vật liệu polyme và đặc biệt là thuốc nhuộm và bột màu azo
Người tiêu dùng phơi nhiễm với các amin thơm có thể gây ung thư khi sử dụng vật liệu dệt được nhuộm bằng thuốc nhuộm azo có thể giải phóng một hoặc nhiều arylamines đã bị cấm. Mồ hôi và sự chà sát với quần áo giúp thuốc nhuộm và amin thơm ngâm chiết ra khỏi vật liệu dệt và di trú từ vật liệu dệt vào da người.
Nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành mục tiêu và nội dung nội dung đã đăng ký theo hợp đồng số 002.19.ĐTBS.BO/HĐKHCN ký ngày 31 tháng 10 năm 2019 do Viện Dệt May chủ trì thực hiện, cụ thể đã hoàn thành các sản phẩm sau:
- Báo cáo Tổng quan về việc quản lý mức giới hạn hóa chất tồn dư có khả năng gây mất an toàn trên sản phẩm dệt may của một số nước trên thế giới.
- Báo cáo Tổng quan về phương thưc quản lý hóa chất tồn dư có khả năng gây mất an toàn trong chuỗi cung ứng của một số thương hiệu, nhà bán lẻ, tập đoàn sản xuất sản phẩm dệt may.
- Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện QCVN01:2017/BCT tại Việt Nam.
- Báo cáo Đề xuất các giải pháp triển khai có hiệu quả QCVN01:2017/BCT phù hợp với thực tế Việt Nam và xu thế hội nhập Quốc tế.
- Báo cáo triển khai thực hiện một số giải pháp và đánh giá kết quả thu được
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18571/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/