Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế quản lý công tác người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam được hình thành trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung. Trong công cuộc đổi mới, cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế khác, hệ thống DNNN vừa được phát triển, mở rộng, vừa được sắp xếp, cơ cấu lại và từng bước chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường.
Ngay từ Đại hội lần thứ IX, Đảng ta đã nhận định: Chuyển DNNN sang hoạt động theo chế độ công ty; đẩy mạnh cổ phần hóa những DNNN mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn, xem đó là khâu quan trọng để tạo chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao hiệu quả DNNN. Đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN” và các chủ trương của Đảng về DNNN, Nghị quyết số 12- NQ/TW khóa XII tiếp tục nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém. Như vậy, có thể thấy, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vai trò của kinh tế Nhà nước nói chung, DNNN nói riêng là xuyên suốt, nhất quán – trong đó nhấn mạnh DNNN giữ vai trò then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; việc cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới của đất nước là việc làm tất yếu và cần thiết.
Theo thống kê, sau cổ phần hóa, số lượng DNNN đã giảm mạnh từ 5.655 doanh nghiệp năm 2001 xuống còn 583 doanh nghiệp năm 2016. Tính đến thời điểm tháng 01/2020, cả nước còn 490 DNNN. Mục tiêu kết thúc năm 2020, cơ bản các DNNN sẽ được cổ phần hóa, Nhà nước chỉ còn giữ lại 103 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước, công ích, an ninh quốc 2 phòng. Đồng thời, tạo ra những DNNN có cơ cấu hợp lý, có sức cạnh tranh cao, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế Nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Liên quan đến Người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, hiện nay việc nghiên cứu mới chỉ có trong một số luận án và bài viết trên tạp chí, báo chuyên ngành. Về các luận án, bao gồm: Cơ chế quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ở Việt Nam của Phạm Thị Thanh Hòa, Quản lý vốn Nhà nước tại các DNNN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng của Nguyễn Thị Kim Đoan, Cơ chế đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp ở Việt Nam của Nguyễn Thị Minh Phương. Ngoài ra, có một số bài viết đáng chú ý như bài Lý thuyết Người đại diện, lý thuyết trò chơi và bài toán Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bài Vấn đề chủ sở hữu và Người đại diện - Một số gợi ý về chính sách cho Việt Nam...
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Vụ Tổ chức cán bộ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Cảnh Toàn thực hiện “Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế quản lý công tác người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp” với mục tiêu: Góp phần hoàn thiện pháp luật về công tác Người đại diện; Có giá trị áp dụng thực tiễn trong hoạt động quản lý Nhà nước của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Có giá trị tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy về phương thức quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đề tài tập trung đi vào nghiên cứu tổng quan về Người đại diện và cơ chế quản lý công tác Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; nghiên cứu kinh nghiệm quản lý công tác Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của một số nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đánh giá thực trạng khuôn khổ pháp lý về quản lý Nhà nước đối với Người đại diện; đề xuất các nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp lý về công tác Người đại diện; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với Người đại diện.
Có thể thấy, các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã từng bước được hình thành và hoàn thiện, đáp ứng cơ bản những yêu cầu đặt ra trong tiến trình tái cơ cấu, đổi mới, sắp xếp DNNN. Cơ chế Người đại diện đã trở thành một phương thức quan trọng trong việc quản lý phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, đặc biệt tại các công ty cổ phần.
Các quy định về quản lý Người đại diện cả về quản lý nhân sự và quản lý hoạt động đã cơ bản đầy đủ, cụ thể, trải rộng trên khắp các mặt, từ tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục cử, cử lại Người đại diện, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm đến quyền và nghĩa vụ của Người đại diện, chế độ thông tin báo cáo và giám sát công tác Người đại diện… đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các bên có liên quan trong quá trình triển khai phương thức quản lý vốn Nhà nước thông qua Người đại diện.
Thực tiễn gần 30 năm triển khai cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam đã minh 20 chứng cổ phần hóa là giải pháp quan trọng để quản trị doanh nghiệp có vốn Nhà nước minh bạch, hiệu quả. Xuất phát từ thực tiễn đó, cần có cơ chế Người đại diện phù hợp để chủ sở hữu phần vốn Nhà nước thông qua đó thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình tại doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, khung pháp lý về Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã từng bước hoàn thiện. Bên cạnh những mặt đạt được, khung pháp lý nói trên vẫn còn một số những bất cập. Do đó, nghiên cứu cơ chế quản lý Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn đang là một vấn đề cấp thiết được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm.
Để góp phần vào tiến trình cải cách nêu trên, trên cơ sở kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và thực tiễn phát sinh ở Việt Nam. Qua những vấn đề lý luận cơ bản nhất về cơ chế quản lý công tác Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được khái quát, làm rõ. Mặt khác, qua nghiên cứu và đánh giá thực trạng cơ chế quản lý công tác Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ở Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã đưa ra quan điểm và giải pháp cụ thể.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18727/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
https://vista.gov.vn/